Sáng 7-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án chỉnh trang, cải thiện vệ sinh môi trường và hồi sinh dòng sông Tô Lịch.
Đẩy nhanh tiến độ nạo vét, đấu nối cửa xả
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay dự án cải tạo sông Tô Lịch đã hoàn tất Giai đoạn 1 nạo vét bùn đất đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình với chiều dài 7 km, tổng khối lượng khoảng 49.914 m³.
Giai đoạn 2 đang tiếp tục triển khai, từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang (dài 5 km), dự kiến hoàn thành trong tháng 8 với khối lượng khoảng 11.800 m³.
Đập dâng Thanh Liệt (tại khu vực cầu Quang) đang gấp rút được thi công nhằm điều điều tiết dòng chảy trên sông Tô Lịch, từ đó cải thiện môi trường, chất lượng nước cho dòng sông.
Song song đó, công tác đấu nối hệ thống thoát nước hai bên sông cũng đang được thực hiện. Hiện đã hoàn tất 19/63 cửa xả dọc tuyến, 42 cửa còn lại sẽ thi công xong trong tháng 7 để kịp thời chỉnh trang mặt bằng trong tháng 8. Các cửa xả còn lại thuộc đoạn từ đập dâng đến cuối sông Tô Lịch (ngã ba Tô Lịch - Nhuệ) sẽ được đưa vào dự án riêng nằm trong chương trình xử lý nước thải Yên Xá.
Cùng với nạo vét và đấu nối cửa xả, TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên cây xanh, thảm cỏ, cây cảnh dọc hai bên bờ sông và tuyến đường Láng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, chống sạt lở và tạo không gian xanh cho cộng đồng.
Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, trước mắt, sông Tô Lịch sẽ được bổ cập nước từ Nhà máy xử lý nước thải hồ Tây. Về lâu dài, Sở này đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước bổ cập từ sông Hồng.
Biến sông Tô Lịch thành không gian xanh phục vụ cộng đồng
Sau khi nghe ý kiến từ các đơn vị, kết luận buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu từ nay đến trước ngày 30-8, các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải hoàn thành toàn bộ các hạng mục cải tạo, chỉnh trang hai bên sông, bao gồm: lát vỉa hè, lắp đặt lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ… nhằm tạo diện mạo sạch, đẹp, văn minh cho toàn tuyến.
Đối với các cửa xả, yêu cầu thi công xong đến đâu thì phải thu dọn vệ sinh, hoàn trả mặt bằng gọn gàng, sạch sẽ, bảo đảm không để ảnh hưởng đến mỹ quan và sinh hoạt của người dân.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đề nghị chính quyền các phường dọc hai bờ sông tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định.
Quang cảnh buổi họp nghe báo cáo công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường 2 bên bờ sông Tô Lịch và bổ cập nước vào sông Tô Lịch
Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm triển khai việc đặt thùng rác dọc hai bên bờ sông, góp phần cải thiện vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn thành phố.
Về công tác bổ cập nước cho sông Tô Lịch trong giai đoạn trước mắt, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu việc lấy nước từ hồ Tây phải được tính toán đảm bảo đủ công suất; đồng thời, cần tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ mẫu nước để đánh giá chất lượng, nhằm không làm biến đổi đặc điểm thủy văn, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nước và hệ sinh thái của sông.
Đối với chủ trương dài hạn là lấy nước từ sông Hồng để bổ cập cả cho hồ Tây và sông Tô Lịch, TP nhấn mạnh phải kiểm soát và đánh giá chặt chẽ các yếu tố liên quan như tổng mức đầu tư, các chi phí thành phần, kế hoạch khai thác – vận hành, cũng như chi phí duy tu, bảo dưỡng trong quá trình sử dụng.
Đặc biệt, khi triển khai bổ cập nước vào hồ Tây, phải kiểm soát nghiêm ngặt các điều kiện môi trường thủy văn, tuyệt đối không để xảy ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái đặc thù và cân bằng tự nhiên của hồ.
“Việc cải tạo sông Tô Lịch không chỉ là xử lý ô nhiễm mà còn là tạo ra một không gian sinh thái mới, bền vững cho thủ đô, nơi người dân có thể đi bộ, thư giãn và kết nối với thiên nhiên giữa lòng thành phố”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của PLO, hiện nay 3 đập dâng trên sông Tô Lịch (tại các vị trí cầu Cót (Cầu Giấy); cầu Dậu (Hoàng Mai); cầu Quang (Thanh Liệt)) đang gấp rút được thi công nhằm điều điều tiết dòng chảy, giữ mực nước ổn định, nhất là vào mùa khô, từ đó cải thiện chất lượng nước và phục hồi hệ sinh thái thủy sinh trên dòng sông.
Trước đó vào giữa tháng 3-2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản chỉ đạo phải ưu tiên giải quyết thủ tục theo cơ chế "làn xanh" đối với 10 dự án quan trọng, đang triển khai của TP, trong đó có các dự án liên quan đến việc cải tạo chỉnh trang, bổ cập nước để làm “hồi sinh” lại sông Tô Lịch.
Trọng Phú