Hà Nội: Giao thông công cộng tại khu vực đường Vành đai 1

Hà Nội: Giao thông công cộng tại khu vực đường Vành đai 1
6 giờ trướcBài gốc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 20/CT-TTg, Hà Nội đang đẩy mạnh triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026.
Vành đai 1 được xác định khép kín qua các tuyến: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đê La Thành - Bưởi - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Quang Khải. Chu vi toàn tuyến khoảng 25km, diện tích khoảng 31 km2, trong đó Hồ Tây chiếm khoảng 5,2 km2.
Vành đai 1 đi qua 9 phường mới (sau sắp xếp), gồm 6 phường nằm trọn: Ba Đình, Ngọc Hà, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng và 3 phường một phần: Tây Hồ, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ.
Theo thống kê, dân số trong khu vực Vành đai 1 khoảng 600.000 người. Hiện có gần 450.000 xe máy do người dân trong khu vực sở hữu.
Người dân sử dụng xe buýt điện ở Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.
Để phục vụ cho việc cấm xe xăng hoạt động trong tuyến đường vành đai 1, hiện Hà Nội có 45 tuyến buýt trợ giá hoạt động. Trong đó, có 11 tuyến buýt điện với tổng cộng 126 xe buýt năng lượng sạch, phục vụ gần 6.500 lượt xe/ngày, tần suất dao động từ 5 - 20 phút/lượt.
Giai đoạn 2025-2030, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành chuyển đổi toàn bộ xe buýt sang năng lượng xanh; Mở mới 27 tuyến buýt điện (dự kiến bổ sung 400 xe).
Bên cạnh đó, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị dài 96,8km (Tuyến số 2, số 3, số 5); đồng thời, chuẩn bị đầu tư tiếp 301km còn lại (Tuyến số 1, 2A mở rộng, 4, 6, 7, 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh).
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực Vành đai 1, Hà Nội sẽ mở thêm các tuyến buýt nhỏ chạy điện, phù hợp với hạ tầng ngõ nhỏ, phố nhỏ; đồng thời điều chỉnh mạng lưới xe buýt hiện tại, kết hợp triển khai xe điện 4 bánh chở người trong vùng thí điểm phát thải thấp.
Phía Sở Xây dựng cho biết, đang xây dựng dự thảo Nghị quyết HĐND Thành phố về chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện.
Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số cho xe điện cá nhân từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến hết năm 2030; Ưu đãi phí trông giữ đối với xe xanh và tăng giá trông giữ đối với phương tiện sử dụng xăng, dầu.
Theo tìm hiểu, từ năm 2017, Hà Nội đã đưa ra lộ trình hạn chế xe máy nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí. Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND được HĐND thành phố thông qua ngày 4/7/2017 đặt mục tiêu đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy tại các quận cũ.
Cuối năm 2024, HĐND TP cũng đã có Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND ngày 12/12/2024 về quy định vùng phát thải thấp.
Lê Khánh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/ha-noi-giao-thong-cong-cong-tai-khu-vuc-duong-vanh-dai-1-10310287.html