Hà Nội hậu kiểm kinh doanh sản xuất thực phẩm 'bẩn' còn mang tính hành chính

Hà Nội hậu kiểm kinh doanh sản xuất thực phẩm 'bẩn' còn mang tính hành chính
10 giờ trướcBài gốc
Kỳ họp thứ 25 HĐND thành phố khóa XVI dự kiến từ ngày 8-10/7, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội báo cáo kết quả khảo sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kinh doanh thức ăn đường phố ở Phùng Hưng, phường Hoàn Kiếm, Hà Nội
Theo báo cáo của Đoàn khảo sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội, Hà Nội là đô thị đặc biệt, đông dân cư (ước tính trên 10 triệu người cư trú, sinh sống và làm việc) nên nhu cầu tiêu dùng thực phẩm rất lớn, số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn là cũng rất lớn, khoảng hơn 80.000 cơ sở, trong đó sản xuất thực phẩm 9.720 cơ sở; kinh doanh thực phẩm 25.244 cơ sở; kinh doanh dịch vụ ăn uống 38.413 cơ sở; kinh doanh thức ăn đường phố 6.890 cơ sở; sản xuất thực phẩm của thành phố Hà Nội đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, số còn lại nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Từ năm 2021 đến nay, đã có 8.186 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP). Theo đó, Sở Y tế cấp 6.166 giấy; Sở Công thương cấp 856 giấy; Sở Nông nghiệp và Môi trường cấp 1.164 giấy.
Toàn thành phố Hà Nội cũng tiếp nhận 95.820 hồ sơ tự công bố sản phẩm. Ngành y tế đã cấp 3.283 giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (bao gồm thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi), 324 giấy xác nhận nội dung quảng cáo các nhóm sản phẩm trên.
Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã kiểm tra 315.133 lượt cơ sở, trong đó số lượt cơ sở đạt các tiêu chí về ATTP đạt tỷ lệ 86,3%. Số cơ sở vi phạm là 43.225 cơ sở, phạt tiền 19.791 cơ sở vi phạm, đình chỉ 107 cơ sở, cảnh cáo 5.048 cơ sở, nhắc nhở tại chỗ 26.394 cơ sở .
Đoàn khảo sát chỉ rõ tồn tại, hạn chế kéo dài (từ các năm 2019, 2020, 2023) chậm được khắc phục. Hệ thống cơ sở giết mổ tập trung theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội chưa đạt yêu cầu mới có 3/8 cơ sở giết mổ tập trung được đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động (đạt 37,5% số cơ sở được phê duyệt), tuy nhiên công suất hoạt động mới đạt khoảng 40% công suất thiết kế.
13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ đến nay chưa triển khai xây dựng. Một số cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại hoạt động chỉ đạt 15-30% công suất thiết kế.
Vẫn còn 701 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (giảm 5% so với năm 2020) tồn tại trong khu dân cư chưa kiểm soát được, gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm; vẫn còn tình trạng vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo ATTP, chưa được kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.
Tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sử dụng nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ, không có truy xuất nguồn gốc vẫn diễn ra. Công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc rau, củ, hoa quả, thực phẩm, ô nhiễm môi trường tại các chợ, nhất là tại các chợ đầu mối còn hạn chế. Thành phố vẫn còn tình trạng chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTP còn mỏng so với khối lượng và yêu cầu công việc. Năng lực kiểm nghiệm của các phòng kiểm nghiệm còn phân tán, chưa đồng đều, thiếu trang thiết bị hiện đại.
Công tác kiểm tra còn mang tính hành chính, chưa xác định trọng tâm kiểm tra đối với chất lượng sản phẩm hoặc các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, từ năm 2021 đến nay, số lượt cơ sở được kiểm tra nhiều nhưng số cơ sở phát hiện vi phạm chiếm tỷ lệ thấp (43.205/315.133 = 13,7%); chưa phát hiện được các cơ sở vi phạm có quy mô lớn.
Đoàn Khảo sát kiến nghị các Sở Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND Thành phố sửa đổi phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm cho phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp.
Đ.Hưng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-hau-kiem-kinh-doanh-san-xuat-thuc-pham-ban-con-mang-tinh-hanh-chinh-post1212679.vov