Hà Nội: hiệu quả từ những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp

Hà Nội: hiệu quả từ những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp
13 giờ trướcBài gốc
Thành phố đang tiếp tục tập trung hoàn thiện mô hình, bảo đảm bộ máy vận hành ổn định, thông suốt và phục vụ người dân tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng kiểm tra công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính tại Chi nhánh số 7, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP và Điểm phục vụ hành chính phường Hà Đông. Ảnh: Hồng Thái
Bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, sau 15 ngày đầu vận hành chính thức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã vào cuộc với quyết tâm cao, thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt, khoa học và bài bản. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ chú trọng đến nhân sự và nguồn lực mà còn gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp.
Ngay từ đầu, Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt công tác kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định chỉ định 2.552/4.076 đồng chí tham gia Ban Chấp hành; 1.047/1.356 đồng chí tham gia Ban Thường vụ; 125/126 bí thư; 251/252 phó bí thư; 125/126 phó chủ tịch HĐND; 240/252 phó chủ tịch UBND. Đồng thời ban hành Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 14/7/2025 về thực hiện công tác cán bộ tại các xã, phường trực thuộc TP sau sắp xếp đơn vị hành chính, làm cơ sở để các xã, phường tiếp tục rà soát, đề xuất kiện toàn đối với các chức danh còn thiếu, đảm bảo hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030 theo chỉ đạo của T.Ư.
Hoạt động của HĐND các xã, phường được triển khai nhanh chóng và đồng bộ với khoảng 600 nghị quyết được ban hành, tập trung vào việc tổ chức bộ máy và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Song song với đó, 100% Đảng ủy xã, phường đã thành lập các chi bộ, đảng bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp đủ điều kiện, một số địa phương còn thí điểm thành lập Đảng bộ doanh nghiệp với số lượng đảng viên lớn.
Những khó khăn ban đầu như thiếu con dấu, quy chế làm việc, cán bộ phụ trách… đã được khắc phục kịp thời. Tính đến nay, tất cả xã, phường đã ban hành quy chế làm việc, bố trí đủ cán bộ, công chức, đảm bảo hoạt động hành chính và phục vụ người dân diễn ra bình thường. 100% Đảng ủy xã, phường đã làm dấu cho các đơn vị trực thuộc; 67 xã, phường đã gửi hồ sơ làm dấu cho tổ chức Đảng cơ sở, số còn lại đang hoàn tất thủ tục.
Một điểm nhấn nổi bật trong triển khai mô hình mới là sự đột phá trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Từ 1 - 13/7/2025, Hà Nội tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ, trong đó 14% được nộp trực tuyến. Số TTHC cấp xã được tăng từ 112 lên 559 thủ tục, giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Hà Nội cũng huy động hơn 200 luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí tại các điểm hành chính công; phối hợp tổ chức 476 điểm đại lý dịch vụ công trực tuyến tại bưu cục, cửa hàng, ngân hàng, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn. Cổng thông tin iHanoi và tổng đài 1022 đã trở thành kênh phản ánh hiệu quả, ghi nhận hàng nghìn ý kiến và hỗ trợ kịp thời người dân.
Các nền tảng số như họp trực tuyến, quản lý văn bản điện tử, ký số… đã được triển khai đồng bộ tại 126 xã, phường. Đặc biệt, 4 TTHC khối Đảng triển khai trên nền tảng số đã thu hút 1,9 triệu lượt truy cập, với hơn 72.000 đảng viên đăng ký, hơn 42.000 giao dịch đóng đảng phí thành công.
Hà Nội đã hoàn thành việc chuyển chủ đầu tư các dự án đầu tư công, điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội và giao dự toán ngân sách mới cho các đơn vị theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Sở Tài chính đã thành lập 4 tổ công tác đôn đốc việc bàn giao hồ sơ dự án, dự kiến hoàn tất trước ngày 20/7/2025.
Công chức tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Đống Đa tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao hiệu lực phục vụ Nhân dân
Trong thời gian tới, Hà Nội xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, công chức và người dân nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị. Tăng cường tuyên truyền, định hướng dư luận, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện mô hình mới. Đồng thời, đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Thành phố cũng yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy. Đồng thời đẩy nhanh việc sắp xếp lại các cơ quan, hội quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy trình làm việc cũng được đẩy mạnh để xử lý các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác. Thành phố sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các nền tảng dữ liệu, phần mềm quản lý, bảo đảm kết nối liên thông giữa các cấp.
Về tổ chức Đảng, Hà Nội tập trung hoàn thiện văn kiện Đại hội cấp xã theo đúng hướng dẫn của Thành ủy, xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực tiễn. Đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, chuẩn bị kỹ đề án nhân sự nhiệm kỳ tới. Song song với đó, Thành phố chỉ đạo tổ chức Đại hội MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội ngay sau khi hoàn tất Đại hội Đảng cấp cơ sở, chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026–2031.
Các xã, phường được yêu cầu tập trung triển khai các đề án, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, đặc biệt quan tâm chăm lo đối tượng chính sách, tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, đẩy mạnh quản lý ngân sách, đất đai, trật tự xây dựng, đầu tư cơ bản.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được xác định là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn vận hành bộ máy mới. Các khóa tập huấn chuyên sâu sẽ được triển khai linh hoạt, kể cả ngoài giờ, ưu tiên các vị trí chuyên môn như kế toán, thuế, đất đai, tư pháp, y tế, giáo dục… Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ làm căn cứ đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nhân sự.
Thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai báo cáo liên thông, đồng bộ giữa các cấp chính quyền. Đồng thời nghiên cứu cơ chế triệu tập họp thống nhất giữa các cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ để giảm họp, tăng hiệu quả điều hành. Phân cấp, phân quyền cho cấp xã sẽ tiếp tục được mở rộng gắn với cải cách hành chính, tài chính công và đổi mới phương thức quản trị địa phương. Đồng thời, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ từ cấp trên và tăng cường sự tham gia của người dân. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát việc vận hành bộ máy mới, đặc biệt là ở cấp xã sẽ được chú trọng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những bất cập, vướng mắc phát sinh. Việc cung cấp dịch vụ công, thực hiện TTHC sẽ được theo dõi sát sao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ giữa T.Ư, TP và cấp xã khi thực hiện mô hình đơn vị hành chính địa phương 2 cấp.
Có thể thấy, sau hai tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Hà Nội đã chứng minh được hiệu quả bước đầu của một mô hình hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu quả. Những kết quả đạt được trong công tác tổ chức, cải cách hành chính, chuyển đổi số và phục vụ người dân là tiền đề vững chắc để TP tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực quản trị và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện trong giai đoạn mới.
Nguyên Bảo
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-hieu-qua-tu-nhung-ngay-dau-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap.780661.html