Liên tục phát sinh điểm, tuyến ùn tắc mới
Nói đến điểm đen ùn tắc tại Hà Nội, nhiều người nhắc ngay đến tuyến Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Vào giờ cao điểm, tại Ngã Tư Sở, ô tô, xe máy xếp dài hàng trăm mét chờ lên cầu vượt.
Đường Nguyễn Trãi thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, dòng phương tiện từ các tuyến đường Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… liên tục cắt ngang đầu ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi khiến giao thông trở nên hỗn loạn.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày cuối năm, trên trục đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, dù đã xén dải phân cách, mở rộng lòng đường, song dưới lòng đường, trên vỉa hè đều chật như nêm.
Chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên lưu thông qua đây để tới cơ quan ngán ngẩm nói: "Từ đường Đại lộ Thăng Long kéo dài đến Nguyễn Chí Thanh tôi liên tục phải di chuyển trong ùn tắc, rất mệt mỏi. Buổi chiều, tôi thường phải xin về sớm hoặc ở lại cơ quan làm tới muộn hẳn".
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, đầu năm 2024, thành phố có 33 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm. Trong năm, Hà Nội đã nỗ lực xử lý được 13/33 điểm.
Trong số này, có những điểm đen nổi tiếng như khu vực đường Nguyễn Trãi cạnh hầm chui Thanh Xuân hướng đi Nguyễn Xiển; Nút giao Lê Đức Thọ - Hàm Nghi - Nguyễn Hoàng; nút giao cầu vượt Mai Dịch; nút giao Dốc Thúy Lĩnh - Đê Nguyễn Khoái; nút giao Âu Cơ - Tứ Liên; nút giao Âu Cơ - Xuân Diệu…
Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn có nguy cơ phát sinh thêm 16 điểm ùn tắc, nâng tổng số lên 36 điểm, tuyến đường ùn tắc giờ cao điểm. Có thể kể ra như: Nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung; Khu vực đảo xuyến trên đường Cương Kiên; trên đường Trần Nhật Duật (cửa khẩu Chương Dương Độ); ngã tư Trần Phú - Thanh Bình - Phùng Hưng (cầu Trắng); ngã tư Phùng Hưng - Cầu Bươu - đường 19/5 (cầu Đen)…
Phương tiện cá nhân tăng gấp 10 lần năng lực hạ tầng
Ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới ùn tắc là do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch.
Phố Thái Hà ùn tắc kéo dài dù không phải giờ cao điểm. Ảnh: Tạ Hải.
Trong khi tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân cao gấp hơn 10 lần tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Mật độ dân cư tập trung vào khu vực trong nội thành cao, đồng nghĩa với việc lưu lượng phương tiện cá nhân tăng cao, đặc biệt trong khung giờ cao điểm.
Ngoài ra, ứng dụng giao thông thông minh trong công tác quản lý, điều hành giao thông để tối ưu hóa kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông hiện có vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có giải pháp mang tính tổng thể, lâu dài.
Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của người dân chưa cao, không tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về trật tự ATGT.
Đẩy mạnh vận tải công cộng, xây thêm cầu vượt
Ông Bảo cũng cho biết, về lâu dài thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó có phát triển vận tải hành khách công cộng, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất xây dựng 5 cầu vượt kết cấu thép, nhằm giải quyết ùn tắc và tăng khả năng kết nối giao thông. Các cây cầu này được xây dựng ở nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Đồng thời, thành phố tiếp tục rà soát, nghiên cứu các tuyến đường đủ điều kiện để phân làn phương tiện; Phối hợp áp dụng khoa học công nghệ trong công tác nghiên cứu, khảo sát về tình hình giao thông trên một số tuyến đường, nút giao có nguy cơ ùn tắc giao thông để làm cơ sở tham mưu, đề xuất, đưa ra các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông cho phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, ùn tắc giao thông ở Hà Nội nguyên nhân chính xuất phát từ quy hoạch bất hợp lý. Bởi vậy, giải pháp bài bản phải rà soát và hợp lý hóa quy hoạch thành phố. Khi có quy hoạch chất lượng, cần có cơ chế giám sát, quản lý, thực hiện tốt quy hoạch.
"Hiện nay, quy hoạch giao thông vẫn đang hướng tới mục tiêu phục vụ phương tiện cơ giới. Đó là sai lầm vì mục tiêu cuối cùng là phục vụ con người di chuyển, chứ không phải để phục vụ phương tiện", bà Thủy nói.
Số liệu thống kê mới nhất về công tác đếm xe trên địa bàn cho thấy, lượng phương tiện đi trên đường Nguyễn Trãi đang cao gấp 2,5-3,2 lần so với thiết kế.
Con số này trên đường Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển là gấp 4,3-4,9; trên đường Lê Văn Lương gấp 2,7-3,3; đường Xuân Thủy - Cầu Giấy gấp 2,1-2,6 lần; đường Láng cao gấp 1,2-1,8…
Lê Tươi