Hà Nội hướng đến không còn hộ cận nghèo

Hà Nội hướng đến không còn hộ cận nghèo
một ngày trướcBài gốc
Khánh thành nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại Sơn Tây, Hà Nội.
Chương trình xây, sửa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo của Hà Nội.
Nhiều địa phương hoàn thành chỉ tiêu trước kế hoạch
Thông tin về việc thực hiện công tác giảm nghèo năm 2024, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Lê Hào Quang cho hay, năm 2024, UBND huyện Ba Vì đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều cùng quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và người dân trên địa bàn. Đó là chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ làm nhà ở, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm, giới thiệu việc làm cho người lao động...
Kết quả, đầu năm 2024, huyện Ba Vì có 264 hộ nghèo và đến cuối năm 2024 không còn hộ nghèo; hiện nay, chỉ còn 73 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Đáng chú ý, 3 xã (Cổ Đô, Tản Lĩnh, Ba Trại) hoàn thành tiêu chí "tỷ lệ nghèo đa chiều" trong xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024; 4 xã (Vân Hòa, Yên Bài, Khánh Thượng, Tiên Phong) hoàn thành tiêu chí "tỷ lệ nghèo đa chiều" trong xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Đến cuối năm 2024, huyện Phú Xuyên cũng hết hộ nghèo; chỉ còn 25 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, chiếm 0,04%. Để đạt được kết quả này, Phú Xuyên thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo do Trung ương quy định; như hỗ trợ về y tế, cấp và quản lý 5.565 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống...
Bên cạnh đó, Phú Xuyên thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND (10.745 lượt đối tượng); chính sách hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với 5.565 người thuộc hộ nghèo thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo thoát cận nghèo.
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Phú Xuyên Trần Thị Dung thông tin thêm, năm 2024, Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa 70 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ nguồn kinh phí theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND và gia đình tự có, tổng cộng là 18,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, huyện phối hợp với các xã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 46 hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ bị hư hỏng nhà sau cơn bão số 3 với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 46 hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà với tổng kinh phí 2,3 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng đã kịp thời giải quyết cho 682 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn, với tổng dư nợ 54,6 tỷ đồng.
Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững của Trung ương và chính sách đặc thù đã giúp Hà Nội không còn hộ nghèo. Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội và cũng là thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025".
Nỗ lực xóa hộ cận nghèo
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, thực hiện chương trình an sinh xã hội, góp phần cùng thành phố thực hiện Chương trình mục quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, ngay từ đầu năm, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố đã ban hành Kế hoạch liên tịch số 24/KH-UBND-UBMTTQ về việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố; bảo đảm các hộ có nhà ở an toàn, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Qua rà soát, địa bàn 15 huyện, thị xã có hơn 700 hộ khó khăn về nhà ở không có điều kiện xây mới và sửa chữa…
Cụ thể hóa mục tiêu này, MTTQ thành phố xây dựng mức kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 100 triệu đồng/nhà; trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ "Vì người nghèo" thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng, Quỹ "Vì người nghèo" cấp huyện, cấp xã 20 triệu đồng. Mức kinh phí hỗ trợ sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 60 triệu đồng/nhà. Đây là bước tạo đà cho việc vận động họ hàng, người dân địa phương hỗ trợ các gia đình khó khăn về nhà ở.
Kết quả là khi triển khai, nhiều gia đình được giúp đỡ hàng trăm triệu đồng và xây những căn nhà với tổng giá trị lên đến vài trăm triệu đồng. Đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 714 ngôi nhà đã hoàn thành sửa chữa hoặc xây mới, đạt 100% kế hoạch đề ra.
UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 6489/QĐ-UBND ngày 18.12.2024 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024. Theo đó, Hà Nội không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, nhưng còn 890 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,04%/tổng số hộ dân thành phố.
Nếu chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội còn 9.928 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,43%/ tổng số hộ dân thành phố). Trong đó, các huyện như Thạch Thất, Mỹ Đức, Ba Vì có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất. Khu vực thành thị có số hộ cận nghèo đã giảm, chỉ còn một số hộ rải rác tại các quận Long Biên, Đống Đa và Nam Từ Liêm.
UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm quy định.
Tùng Dương
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ha-noi-huong-den-khong-con-ho-can-ngheo-post401290.html