Căn cứ Nghị quyết số 188 của UBND TP Hà Nội, việc phát triển đường sắt đô thị của Thành phố sẽ được phân kỳ theo ba giai đoạn.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Theo đó, giai đoạn 2024 - 2030, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành thi công khoảng 96,8km, gồm các tuyến số 2, số 3, số 5.
Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư cho 301km thuộc các tuyến số 1, số 2A kéo dài đến Xuân Mai, số 4, số 6, số 7, số 8 và tuyến kết nối các đô thị vệ tinh.
Tổng nhu cầu vốn dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 14,6 tỷ USD.
Giai đoạn 2031 - 2035, Hà Nội tiếp tục hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, với sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,57 tỷ USD. Khi hoàn thành, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35 - 40% lượng hành khách công cộng.
Giai đoạn 2036 - 2045, thành phố sẽ hoàn thành 200,7km còn lại của các tuyến được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh. Tổng nhu cầu vốn giai đoạn này là khoảng 18,25 tỷ USD.
Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công hai tuyến đường sắt đô thị trong năm 2025, gồm tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long -Trần Hưng Đạo, dài 11,5km; Tuyến số 5, đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, dài 38,43km.
UBND Thành phố đã ban hành các quyết định quan trọng để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, Hà Nội đã ủy quyền cho Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội được quyết định việc thuê tư vấn nước ngoài để triển khai dự án.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội được ủy quyền quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu trong giai đoạn chuẩn bị dự án.
Thành phố cũng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 của Dự án tuyến Nhổn – ga Hà Nội và tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Đối với tuyến số 5, ngày 24/6/2025, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đã trình Tờ trình số 35 về việc thẩm định, phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình xây dựng tỷ lệ 1/500. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang tổ chức thẩm định theo quy định.
Với tuyến số 2.1 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), UBND Thành phố đã có Quyết định số 2872 ngày 10/6/2025, điều hòa 180,446 tỷ đồng vốn đối ứng từ tuyến 3.1 (Nhổn -Cầu Giấy) sang tuyến 2.1. Hồ sơ điều chỉnh dự án sẽ được hoàn chỉnh và trình UBND Thành phố trong tháng 7/2025.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ hình thành 15 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó có các tuyến nổi bật như:
Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên (hơn 38 km)
Tuyến số 2: Nam Thăng Long – Sóc Sơn (hơn 47 km)
Tuyến số 2A: Cát Linh – Hà Đông, kéo dài đến Xuân Mai (33 km)
Tuyến số 3: Nhổn – ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây (57 km)
Tuyến số 4: Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà (54 km)
Tuyến số 5: Văn Cao – Hòa Lạc (38 km)
Tuyến số 6: Nội Bài – Ngọc Hồi (43 km)
Tuyến số 7: Hà Đông – Mê Linh (28 km)
Tuyến số 8: Sơn Động – Mai Dịch – Dương Xá (39 km)
Tuyến số 9: Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai (32 km)
Tuyến 1A: Ngọc Hồi – sân bay thứ hai phía Nam (29 km)
Tuyến số 9 (khác): Mê Linh – Cổ Loa – Dương Xá (48 km)
Tuyến số 10: Cát Linh – Láng Hạ – Lê Văn Lương – Yên Nghĩa (12 km)
Tuyến số 11: Vành đai 2 – trục phía Nam – sân bay thứ hai phía Nam (42 km)
Tuyến số 12: Xuân Mai – Phú Xuyên (45 km)
Việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp Hà Nội giảm áp lực giao thông đô thị, mà còn thúc đẩy sự phát triển đô thị theo hướng bền vững, hiện đại và kết nối. Khi hoàn thiện, mạng lưới đường sắt đô thị sẽ trở thành trục xương sống trong hệ thống vận tải công cộng, tạo động lực phát triển cho cả khu vực nội đô và các đô thị vệ tinh.
Lê Tươi