Hà Nội khơi thông sức sống đô thị từ mô hình BID

Hà Nội khơi thông sức sống đô thị từ mô hình BID
6 giờ trướcBài gốc
Một trong những mô hình nổi bật và đã chứng minh được tính khả thi là BID – Business Improvement District (tạm dịch: Khu vực cải thiện kinh doanh). Và rõ ràng, dựa trên các điều kiện biên của Hà Nội, thì BID là một phương án khả dĩ.
Mô hình BID thúc đẩy tối ưu dư địa đô thị
BID là một khu vực được xác định rõ ràng, trong đó các doanh nghiệp đồng thuận hợp tác để tài trợ và triển khai các dự án nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, không gian công cộng, và chất lượng dịch vụ trong khu vực đó. Các BID thường được tài trợ thông qua hình thức đánh giá tài chính dựa trên tỷ lệ đóng góp của từng doanh nghiệp, song song với việc huy động từ các nguồn lực công – tư khác như ngân sách thành phố, tài trợ của tổ chức quốc tế, hoặc các chương trình phát triển địa phương.
Trên thế giới, mô hình này được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như BIA (Business Improvement Area), BRZ (Business Revitalization Zone), CID (Community Improvement District), hay SID (Special Improvement District). Tuy có khác biệt về tên gọi và cách tổ chức, điểm chung của các BID là tạo lập một cơ chế phối hợp giữa khối doanh nghiệp tư nhân với chính quyền đô thị để tái cấu trúc hoặc nâng cấp một khu vực nhất định – không chỉ nhằm mục tiêu tăng doanh thu, mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng hình ảnh đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống.
Các hoạt động của BID thường bao gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức sự kiện văn hóa – nghệ thuật; phát triển không gian công cộng như tuyến phố đi bộ, vỉa hè, chiếu sáng, cảnh quan; tăng cường an ninh – vệ sinh môi trường; và quảng bá thương hiệu địa phương. Điều quan trọng là BID không thay thế vai trò của chính quyền đô thị mà đóng vai trò bổ sung và nâng cao hiệu quả các dịch vụ công thông qua cơ chế tự chủ và liên kết doanh nghiệp.
Hà Nội có dư địa lớn để phát triển mô hình BID theo hướng công nghiệp văn hóa. Theo định hướng của Thành ủy Hà Nội, đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP của Thành phố, tăng lên 8% vào năm 2030 và đạt khoảng 10% vào năm 2045. Ảnh: Người Hà Nội
BID cũng cho phép doanh thu tạo ra từ các hoạt động cải thiện khu vực được tái đầu tư một cách minh bạch, chia sẻ giá trị với các bên liên quan như chủ sở hữu bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh tại địa phương và đơn vị quản lý đô thị. Cơ chế này phù hợp với định hướng chung của Việt Nam về việc khuyến khích xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ – văn hóa – du lịch. Đây cũng là mô hình tiệm cận với cách tiếp cận “quản trị đô thị đa trung tâm” mà nhiều thành phố lớn như Hà Nội đang quan tâm trong quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững và sáng tạo hơn.
Các trung tâm đô thị sáng tạo trên thế giới không tự nhiên hình thành. Chúng là kết quả của một quá trình quy hoạch có chủ đích, dựa trên sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Nhiều mô hình thành công hiện nay từng xuất phát từ những khu vực bị bỏ quên, suy thoái hoặc chưa được khai thác đúng tiềm năng. Mô hình BID chính là chất xúc tác giúp các khu vực này “thay da đổi thịt” bằng cách đồng thời kích hoạt những dòng chảy văn hóa – kinh tế – xã hội.
Nhìn sang các BID lân cận
Khu vực Hongdae – nằm gần Trường Đại học Hongik, vốn nổi tiếng với thế mạnh về mỹ thuật và thiết kế – từng là một không gian mang tính “tự phát” của giới trẻ yêu nghệ thuật và âm nhạc. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 2000, chính quyền Seoul đã triển khai một dự án BID thử nghiệm tại đây, hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương và các trường nghệ thuật để phát triển Hongdae thành khu thương mại – sáng tạo – giải trí năng động bậc nhất thành phố.
Khu vực Hongdae, một BID “thiên đường giải trí” tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Internet
Tại Hongdae, các doanh nghiệp nhỏ – từ quán cà phê indie, phòng tranh độc lập, cho đến studio thời trang – cùng đóng góp vào quỹ BID để tổ chức lễ hội nghệ thuật đường phố, cải thiện chiếu sáng công cộng, và phát triển tuyến phố đi bộ với bản sắc riêng. Chính mô hình BID đã giúp giữ lại tinh thần "nghệ thuật từ cộng đồng" và chống lại quá trình thương mại hóa đơn thuần.
Singapore cũng từng đối diện với bài toán khó: Làm thế nào để kết nối các bảo tàng, trường nghệ thuật, không gian sáng tạo và khu phố kinh doanh thành một hệ sinh thái có tính cộng hưởng? Câu trả lời đến từ mô hình BID tại khu vực Bras Basah.Bugis (BBB) – nơi quy tụ Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Đại học Nghệ thuật LASALLE, Trường Nghệ thuật Nanyang và nhiều không gian nghệ thuật đương đại.
Bras Basah.Bugis là một khu vực nghệ thuật và văn hóa, nằm giữa lòng khu Trung tâm Hành chính Singapore và là nơi tập trung các bảo tàng và di tích. Ảnh: Internet
Điểm nổi bật ở đây là BID không chỉ phục vụ doanh nghiệp, mà trở thành nền tảng quản lý tích hợp các thiết chế sáng tạo, biến BBB thành "phố nghệ thuật" có sức hút cao về du lịch – giáo dục – đầu tư. BID tại Singapore cũng được vận hành bởi một tổ chức trung gian (Arts & Culture Precinct Office), giúp điều phối hiệu quả giữa chính quyền – khu vực tư – cộng đồng nghệ sĩ.
Tại Úc, Fitzroy – một khu phố cổ ở phía Bắc Melbourne – từng là khu vực lao động xuống cấp. Nhưng từ đầu những năm 2010, BID được triển khai để biến Fitzroy thành trung tâm sáng tạo với dấu ấn văn hóa địa phương rõ nét. Không gian công nghiệp cũ được chuyển đổi thành xưởng thiết kế, phòng trưng bày, quán bar nhạc sống, trong khi các nghệ sĩ bản địa và người bản xứ được mời tham gia thiết kế cảnh quan công cộng. Fitzroy ngày nay không chỉ là khu nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa bảo tồn di sản đô thị và đổi mới sáng tạo.
Fitzroy (Úc) ngày nay không chỉ là khu nghệ thuật mà còn là biểu tượng của sự kết hợp giữa bảo tồn di sản đô thị và đổi mới sáng tạo.
Một số kinh nghiệm quốc tế cho thấy, BID không nhất thiết phải triển khai trên quy mô lớn; ngược lại, những khu vực nhỏ, giàu bản sắc văn hóa và có cộng đồng cư dân – doanh nghiệp năng động lại thường tạo ra hiệu quả chuyển đổi rõ nét hơn. Điều này đặc biệt phù hợp với Hà Nội, nơi tồn tại nhiều không gian đô thị có tiềm năng sáng tạo như khu phố cũ, làng nghề hay các nhà máy cũ.
Mô hình BID cũng thường thành công hơn khi có một tổ chức trung gian điều phối – đảm nhiệm vai trò kết nối giữa các bên: chính quyền địa phương, khối doanh nghiệp, nghệ sĩ và cộng đồng. Tại những nơi như Seoul hay Singapore, chính các trường đại học, nghệ sĩ trẻ và doanh nghiệp nhỏ chính là hạt nhân tạo nên sinh lực sáng tạo tại các BID, đảm bảo cho các dự án không đơn thuần mang tính hành chính mà là kết quả của năng lực tự tổ chức từ dưới lên – điều mà Hà Nội hoàn toàn có thể học hỏi và thử nghiệm trong lộ trình trở thành đô thị sáng tạo.
Hình dung mới cho không gian cũ: Trung tâm công nghiệp văn hóa Hà Nội
Hà Nội không chỉ là trung tâm hành chính – chính trị, mà còn là đô thị duy nhất tại Việt Nam được UNESCO công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH) và thử nghiệm mô hình Khu phát triển thương mại và văn hóa (gần với mô hình BID) không chỉ là chiến lược phù hợp, mà còn là bước đi tất yếu trong lộ trình chuyển đổi đô thị theo hướng bền vững, sáng tạo và giàu bản sắc.
Theo Dự thảo Nghị quyết và Quy chế mẫu về Khu phát triển thương mại và văn hóa (BID) của Hà Nội năm 2025, mô hình này được thiết kế với nhiều điểm tương đồng với BID quốc tế: tự nguyện, tự quản; lấy cộng đồng doanh nghiệp làm trung tâm; khuyến khích đầu tư xã hội hóa; và hướng tới cải thiện đồng thời không gian văn hóa, hoạt động thương mại và du lịch.
Hội thảo về Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm CNVH và Khu PTTMVH ngày 18.4 đã nhận được các ý kiến tham góp của chuyên gia trên nhiều lĩnh vực về các dự thảo liên quan đến việc triển khai BID trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thế Sơn
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cách tiếp cận của Hà Nội mang màu sắc địa phương rõ nét: BID không chỉ gắn với phát triển thương mại mà còn là nơi bảo tồn di sản, nghề truyền thống, cảnh quan và phong tục địa phương. Các hoạt động như tổ chức lễ hội, xây dựng nhà truyền thống, trưng bày nghệ thuật, phát triển du lịch làng nghề... đều được tích hợp vào chức năng của khu vực. Đây là điểm khác biệt lớn so với mô hình BID phương Tây – vốn thường tập trung vào tiện ích đô thị và an ninh thương mại.
Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức quản lý BID Hà Nội mang tính dân chủ cơ sở cao, với Hội nghị cộng đồng là nơi quyết định những vấn đề then chốt, từ tài chính đến nhân sự, tạo ra sự đồng thuận – yếu tố sống còn cho mọi hình thức quản trị cộng đồng.
Phố Tạ Hiện, hay quận Hoàn Kiếm, là những khu vực chú trọng phát triển kinh tế đêm, dưới các loại hình như các không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố… vào ban đêm. Ảnh: Wikipedia
Song song với BID, Trung tâm CNVH là một hướng đi mang tính chiến lược mà Hà Nội đề xuất trong Dự thảo Nghị quyết ngày 8.4.2025. Khác với BID thiên về quản trị cộng đồng doanh nghiệp theo địa bàn, trung tâm CNVH được hiểu là một thiết chế – tổ chức chuyên biệt, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và hỗ trợ sản phẩm sáng tạo (thiết kế, nghệ thuật thị giác, điện ảnh, thời trang, nội dung số...).
Theo đó, trung tâm CNVH có thể tổ chức dưới hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động tại các khu vực có lợi thế về không gian văn hóa – chẳng hạn như các nhà máy cũ, bãi sông Hồng, các khu di dời cơ quan nhà nước. Chính quyền thành phố cũng xác định cơ chế cho thuê, nhượng quyền, liên kết công – tư trong việc vận hành các trung tâm, đồng thời khuyến khích việc ứng dụng công nghệ, kết nối nguồn lực sáng tạo và quảng bá giá trị văn hóa thủ đô ra thế giới.
Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã trở thành địa điểm tổ chức hơn 10 không gian sáng tạo nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023. Ảnh: Hà Nội Mới
Với hai trục chính sách song song – Khu PTTMVH (BID) và Trung tâm CNVH – Hà Nội đang thử nghiệm một mô hình quản trị đô thị mới, kết hợp giữa không gian và thiết chế, giữa văn hóa – thương mại – cộng đồng – sáng tạo. Nếu được triển khai đúng cách, đây có thể là phiên bản “địa phương hóa” của BID kết hợp với mô hình sáng tạo như Hongdae (Seoul) hay BBB (Singapore).
Điều quan trọng là phải tạo ra liên kết mềm giữa hai mô hình: nơi có hạ tầng, di sản, cộng đồng (BID) cần có sự hiện diện của thiết chế CNVH để khởi tạo hệ sinh thái sáng tạo bền vững; và ngược lại, các trung tâm CNVH cần đặt mình trong lòng cộng đồng đô thị cụ thể để không bị tách rời khỏi đời sống văn hóa bản địa.
Định hình bản sắc sáng tạo cho đô thị Hà Nội
Sự xuất hiện đồng thời của hai khái niệm – khu phát triển thương mại và văn hóa và trung tâm CNVH – trong chính sách đô thị Hà Nội cho thấy một bước tiến rõ rệt trong tư duy phát triển: từ mô hình quản lý truyền thống sang mô hình liên kết đa tác nhân, nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và sáng tạo địa phương.
Sự chuyển đổi các không gian truyền thống tích hợp với không gian sáng tạo đương đại là một cách khả thi để tiến tới xây dựng một bản đồ văn hóa – nghệ thuật – sáng tạo Hà Nội. Ảnh: Huyền Thương/Người Đô Thị
Tuy nhiên, để các mô hình này không dừng lại ở “thí điểm hành chính”, Hà Nội cần đặt trọng tâm vào chất lượng thiết kế thể chế và năng lực tự tổ chức của cộng đồng địa phương. BID và CNVH không thể được “áp xuống” như một dạng khu kinh tế đơn thuần, mà phải phát triển từ chính những không gian có tiềm năng tự thân về di sản, bản sắc và con người sáng tạo.
Để hiện thực hóa các mô hình BID và Trung tâm CNVH một cách hiệu quả, chính quyền thành phố Hà Nội nên triển khai theo lộ trình có trọng tâm và linh hoạt. Trước hết, cần ưu tiên lựa chọn các khu vực có đặc trưng văn hóa rõ rệt như phố nghề, làng nghề, các nhà máy cũ hay bãi ven sông – những nơi vốn đã tiềm ẩn sinh lực văn hóa và có khả năng cộng hưởng với mô hình sáng tạo.
Bốn thành tố then chốt khi triển khai một mô hình BID, trong đó quản trị đô thị là thành tố dẫn dắt. Ảnh: Tác giả
Đồng thời, cần thành lập các tổ chức trung gian điều phối BID với sự tham gia của nghệ sĩ, nhà thiết kế, trường đại học và đại diện doanh nghiệp nhỏ, nhằm kết nối hiệu quả giữa định hướng chính sách và thực tiễn vận hành. Hà Nội cũng nên mạnh dạn thiết lập cơ chế thử nghiệm linh hoạt (sandbox), tạo điều kiện cho các mô hình BID – CNVH vận dụng sáng tạo, thích ứng với điều kiện địa phương mà không bị gò bó bởi khuôn mẫu hành chính cứng nhắc.
Quan trọng không kém, là việc khuyến khích sự chủ động và đồng kiến tạo từ cộng đồng cư dân và doanh nghiệp tại chỗ, trong đó nghệ sĩ trẻ và các nhà sáng tạo độc lập nên được xem là hạt nhân để khơi nguồn năng lượng đổi mới đô thị từ bên trong.
Nếu biết lắng nghe, đầu tư và kiên nhẫn thử nghiệm, Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu “BID bản địa” – nơi không chỉ phát triển kinh tế, mà còn gìn giữ và tái tạo bản sắc đô thị bằng chính nội lực văn hóa của mình.
UBND thành phố Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến người dân vào dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm CNVH (Thực hiện theo khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô). Dự thảo Nghị quyết quy định về thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm CNVH.
Đây được coi là khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm CNVH, nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị.
________________________
Nghệ sĩ, giám tuyển, giảng viên Nguyễn Thế Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Vai trò của những người làm trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật
Các không gian mang tính chất thiết chế cộng đồng trong lịch sử, như các ngôi đình thờ tổ nghề tại khu phố cổ, hiện nay đã dần chuyển mình thành các không gian sáng tạo, trở thành điểm đến thu hút nghệ sĩ và công chúng, cả trong và ngoài nước. Dự án ‘Chuyện Đình trong Phố’ là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này, không chỉ tạo ra địa chỉ khám phá cho du khách mà còn là nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật thị giác và nghệ thuật biểu diễn.
Để các ngôi đình này phát huy hiệu quả, cần có đội ngũ chuyên môn quản lý, thực hiện các hoạt động nghệ thuật định kỳ từ triển lãm đến các workshop của nghệ sĩ, nghệ nhân. Đồng thời, các tác phẩm nghệ thuật công cộng như điêu khắc và sắp đặt ánh sáng ngoài trời cũng cần được triển khai, không chỉ để tăng cường trải nghiệm công chúng mà còn góp phần làm đẹp không gian và thu hút du khách.
Ngoài ra, việc duy trì đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp để chia sẻ giá trị của các tác phẩm nghệ thuật và di sản kiến trúc cũng là điều cần thiết. Cần tổ chức các đợt lưu trú nghệ thuật quốc tế và hỗ trợ các nghệ sĩ sáng tác, giao lưu với công chúng, tiến tới đạt chuẩn quốc tế cho các chương trình nghệ sĩ lưu trú. Mặt khác, cũng cần kết hợp với các công ty lữ hành và các tổ chức nghệ thuật để xây dựng các chương trình tour nghệ thuật, tạo thành mạng lưới kết nối các sự kiện sáng tạo quốc tế, đưa Hà Nội trở thành điểm đến nổi bật của cộng đồng nghệ sĩ và du khách.
Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/ha-noi-khoi-thong-suc-song-do-thi-tu-mo-hinh-bid-47925.html