UBND Thành phố Hà Nội vừa công bố Báo cáo số 145/BC-UBND ngày 25/4/2025 về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến hết năm 2024, Hà Nội không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong toàn bộ các dự án thuộc chương trình.
Cụ thể, từ năm 2021 đến năm 2024, tổng kinh phí huy động cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội đạt 86.807 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố đóng góp 36.687 tỷ đồng (chiếm 42,3%), ngân sách cấp huyện 43.842 tỷ đồng (chiếm 50,5%), ngân sách cấp xã 2.264 tỷ đồng (chiếm 2,6%) và vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước đạt 4.012,7 tỷ đồng (chiếm 4,6%).
Trường THCS Long Xuyên (xã Long Thượng, huyện Phúc Thọ) có diện mạo khang trang, hiện đại nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Phú
Đáng chú ý, năm 2024, ngân sách Thành phố còn ủy thác thêm 800 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ cho vay thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân.
Nhờ việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả, các công trình hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi... tại các huyện, thị xã đều được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không để xảy ra tình trạng dở dang hoặc phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Việc Hà Nội kiểm soát chặt chẽ nợ đọng xây dựng cơ bản cũng phù hợp với yêu cầu chung của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư công, đặc biệt trong các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, việc không để phát sinh nợ đọng còn tạo nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại nhiều địa phương từ năm 2025 trở đi.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, đến hết năm 2024, toàn Thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2025 - 2030, tập trung vào các tiêu chí nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương.
Linh Nguyễn