Đây là cơ sở quan trọng để cụ thể hóa chiến lược phát triển không gian ngầm, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và giải quyết các thách thức hạ tầng mặt đất trong nội đô Hà Nội.
Toàn cảnh kỳ họp sáng 10/7.
Danh mục công trình ngầm được ban hành gồm ba nhóm chính, trong đó nổi bật là dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị ngầm với 8 tuyến, tổng chiều dài khoảng 320km, trong đó có 81km đi ngầm và 68 ga ngầm, tổng cộng 191 nhà ga.
Cùng với đó là danh mục đầu tư xây dựng hầm giao thông đường bộ, bãi đỗ xe ngầm và công trình công cộng ngầm gồm 85 công trình, bao gồm: 5 hầm chui, 78 bãi đỗ xe ngầm và hai công trình dịch vụ công cộng ngầm.
Bên cạnh hệ thống giao thông, danh mục còn bao gồm 95 tuyến phố được quy hoạch hạ ngầm đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như: đường dây, cáp điện lực, viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải…
Nghị quyết xác định rõ các loại công trình ngầm được khuyến khích đầu tư, bao gồm: đường sắt đô thị ngầm và nhà ga ngầm; hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm; công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và các công trình ngầm đa chức năng phục vụ thương mại, văn hóa, thể thao, dịch vụ công cộng…
UBND TP Hà Nội được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, định kỳ rà soát, cập nhật danh mục để đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong huy động đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân theo hình thức PPP.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn phát biểu tại kỳ họp.
Phát biểu tại kỳ họp, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định: Việc phát triển không gian ngầm là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh nội đô lịch sử gần như không còn dư địa mở rộng, dân số và mật độ xây dựng ở mức cao, hệ thống giao thông và thoát nước quá tải.
Việc ban hành danh mục công trình ngầm khuyến khích đầu tư xây dựng (phân loại theo nhóm chức năng, quy mô, khu vực ưu tiên) sẽ giúp thành phố cụ thể hóa phạm vi, tiêu chí, cấp phép dự án; Thống nhất chính sách ưu đãi, khuyến khích liên doanh công - tư (PPP).
"Không gian ngầm không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển bền vững. Các đô thị lớn như Tokyo, Paris, Seoul đều đã quy hoạch chuyên đề về không gian ngầm từ sớm, gắn kết giao thông, thương mại, dịch vụ trong một cấu trúc tích hợp dưới lòng đất", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Ban Đô thị HĐND thành phố, việc ban hành danh mục các công trình ngầm sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, phục vụ giảm ùn tắc, ngập úng, thiếu bãi đỗ xe và công trình công cộng.
Mai Thu