Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 48% kế hoạch. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN.
Ngay sau khi nhận được Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 4229/BTC-ĐT ngày 03/4/2025 của Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện rà soát, cập nhật thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài. Sở Tài chính Hà Nội là đơn vị đầu mối, tham mưu tổng hợp tại Văn bản số 4272/STC-HTĐT ngày 16/4/2025, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện.
Đến nay, Hà Nội đã cập nhật thông tin đầy đủ của 211 dự án có khó khăn, vướng mắc kéo dài đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính đến ngày 20/3/2025. Theo xác nhận đến ngày 10/4/2025, không phát sinh thêm dự án mới. Thông tin các dự án này được cập nhật trên hệ thống dautucong.mpi.gov.vn để phục vụ công tác theo dõi, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Theo kế hoạch hành động năm 2025, UBND Thành phố Hà Nội tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc đối với 109 dự án đầu tư công chậm tiến độ, trong đó ưu tiên xử lý các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài. Đây là nội dung thực hiện theo chỉ đạo tại Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 06/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, đối với các dự án BT đang triển khai dở dang, Thành phố chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thủ tục một cách chặt chẽ để đảm bảo tính pháp lý, sớm đưa các dự án về đích, tránh kéo dài gây lãng phí.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Hà Nội đang triển khai đánh giá tổng thể về đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để rút kinh nghiệm, đề xuất điều chỉnh các quy định pháp luật không còn phù hợp, rút ngắn quy trình thực hiện dự án đầu tư, từ đó khắc phục những điểm nghẽn về thể chế và quy trình.
Song song đó, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo hướng tập trung xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, vướng mắc; tránh đầu tư dàn trải, chỉ triển khai dự án thực sự cấp bách, mang tính chiến lược như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường vành đai 4, các tuyến xuyên tâm, các dự án xử lý môi trường…
Trong năm 2025, Thành phố đặt mục tiêu cân đối sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng rà soát và hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư xã hội hóa, ưu tiên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao nhằm thu hút nguồn lực ngoài ngân sách, giảm gánh nặng đầu tư công.
Một hướng đi khác là tổ chức lại bộ máy quản lý, tăng cường nắm bắt, xử lý vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường bố trí bộ phận chuyên môn riêng, theo dõi, tham mưu, giúp UBND tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai.
Hà Nội cũng đang phân loại, đánh giá tổng thể các dự án có sử dụng đất từ năm 2008 đến nay, xác định nhóm vấn đề để đề xuất hướng xử lý phù hợp. Trước mắt, tập trung xử lý 712 dự án và 117 dự án chậm tiến độ, do UBND cấp huyện đề xuất kiến nghị.
Song song đó, Thành phố đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; rà soát toàn diện các cơ sở nhà đất thuộc thẩm quyền Thành phố, đặc biệt là trụ sở cơ quan sau tinh gọn bộ máy, để lập phương án sử dụng hiệu quả.
Năm 2025 là năm cuối thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 3569/QĐ-UBND. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Hà Nội đã kiện toàn Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí theo Quyết định số 1349/QĐ-UBND ngày 11/3/2025.
Ban Chỉ đạo đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm năm 2025, trong đó nêu rõ 3 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm: đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai; và tài sản công. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của giám đốc, thủ trưởng sở ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các cơ quan chức năng được giao tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước. Đặc biệt, các vụ việc nổi cộm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm sẽ được tập trung xử lý dứt điểm.
Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống lãng phí theo Chương trình công tác đã ban hành, định kỳ hàng quý yêu cầu báo cáo kết quả, đồng thời đôn đốc thực hiện đột xuất khi cần thiết.
Cơ quan Thường trực – Sở Tài chính được giao tham mưu tổng thể, theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện chương trình, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để điều hành, triển khai hiệu quả nhiệm vụ đã được giao.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và sự vào cuộc khẩn trương, toàn diện của chính quyền Thành phố, Hà Nội đặt mục tiêu khơi thông toàn bộ điểm nghẽn trong đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, phát huy tối đa nguồn lực xã hội, tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo.
Việc đồng thời triển khai hai chương trình lớn: tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư và phòng chống lãng phí không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, mà còn góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch, trách nhiệm và năng động hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)