Dù hàng loạt biệt thự triệu đô treo biển “cho thuê” với số điện thoại liên hệ rõ ràng, nhưng khi khách gọi đến, thay vì được mời xem nhà hay nhận được thông tin cụ thể, người gọi lại bị hỏi dò kỹ càng về mục đích thuê. Sau những câu hỏi dồn dập, kết quả thường là một lời từ chối lạnh lùng, không giải thích thêm. Hiện tượng này đang khiến nhiều người băn khoăn về thực trạng sử dụng và khai thác các khu biệt thự tại những khu đô thị mới.Treo biển cho thuê nhưng từ chối khách
Dọc theo các tuyến đường vùng ven phía Tây Hà Nội, nhiều dự án khu đô thị từng được kỳ vọng trở thành trung tâm sầm uất giờ đây rơi vào tình trạng bỏ hoang. Những căn biệt thự khang trang, có giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng, thay vì sôi động thì lại im lìm, không người ở, khiến cảnh quan đô thị trở nên vắng vẻ và lãng phí nguồn lực đầu tư.
Loạt biệt thự đắt đỏ không bóng người.
Điển hình tại dự án biệt thự khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều căn biệt thự được môi giới dán biển “cho thuê”. Tuy nhiên, khi phóng viên liên hệ với ý định thuê, môi giới lại từ chối khéo. Thay vì cung cấp thông tin, môi giới liên tục chất vấn về mục đích thuê và khi phóng viên hỏi về giá cả cũng như các chi tiết liên quan, cuộc gọi lập tức bị cúp máy trong im lặng.
Cho thuê biệt thự, liên hệ số...” - những tấm biển như vậy xuất hiện dày đặc trước hàng loạt căn biệt thự tại nhiều khu đô thị vùng ven Hà Nội. Tuy nhiên, khi người quan tâm gọi điện theo số được ghi rõ trên biển, câu trả lời thường là một kịch bản quen thuộc, môi giới thường hỏi ngược dồn dập về mục đích thuê, thời gian sử dụng, thậm chí cả ngành nghề hoạt động.
“Tôi đang cho thuê một căn tại mặt đường chính, bạn muốn thuê, mua hay thế nào…nếu không có ý đồ thì thôi không cần phải hỏi giá, phải nói rõ ý đồ thuê làm gì và thuê trong bao lâu”, môi giới đang rao thuê căn biệt thự nói.
Nhiều căn biệt thự được dùng để bảo quản thiết bị xây dựng.
Đặc biệt, khi khách chưa kịp nhận được thông tin về giá cả, diện tích hay tình trạng nhà, thì cuộc gọi bất ngờ bị kết thúc bằng một lời từ chối lịch sự hoặc đơn giản là sự im lặng cúp máy. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Vì sao lại treo biển cho thuê nếu thực chất không muốn cho thuê?
Ông Phạm Văn Hoàng - người dân sống gần dự án khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Những trường hợp như vậy không phải là cá biệt, nhiều căn biệt thự cho thuê chỉ là bề nổi, trong khi chủ nhà có thể không có nhu cầu khai thác tài sản dưới dạng cho thuê thực sự, đó có thể là cách để tạo cảm giác rằng khu vực đang có giao dịch, có nhu cầu thực, từ đó nâng vị thế dự án hoặc hỗ trợ các hoạt động kinh doanh lân cận”.
“Nhiều môi giới thừa nhận rằng, việc dán biển cho thuê rầm rộ có thể tạo ra “sóng” thị trường. Ngoài ra, nhiều chủ biệt thự mua bất động sản để đầu tư giữ tài sản hơn là dùng để khai thác dòng tiền, việc cho thuê có thể bị xem là rủi ro, liên quan đến hỏng hóc, xuống cấp. Trong trường hợp này, biển “cho thuê” có thể là một hình thức “để đó”, tạo cảm giác tài sản vẫn có tính thanh khoản mà không thực sự có nhu cầu khai thác”, ông Hoàng bày tỏ.
Cỏ mọc kín lối vào biệt thự.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - môi giới bất động sản có 20 năm kinh nghiệm tại Phường Từ Liêm, Hà Nội cho biết, một nghịch lý ngày càng rõ nét, giữa lúc người dân, doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận không gian thuê để sinh hoạt hay kinh doanh, thì hàng loạt căn biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng lại nằm phơi nắng phơi mưa, bỏ hoang dài hạn. Những tấm biển “cho thuê” chỉ còn là hình thức, che lấp cho một thị trường méo mó, nơi thông tin không minh bạch và quyền sử dụng tài sản bị lãng phí kéo dài.
Theo khảo sát của VnBusiness, ngoài dự án khu đô thị Nam An Khánh, nhiều dự án biệt thự sầm uất như khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Lideco…cũng đang rơi vào tình trạng bỏ không, hạ tầng đều xuống cấp nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia bất động sản, việc treo biển “cho thuê ảo” không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, đây là “chiêu” cũ được giới đầu cơ sử dụng để tạo cảm giác sôi động cho thị trường, nhất là trong thời điểm thanh khoản thấp, giá không tăng.
Dù không cho thuê thật, các bảng hiệu vẫn tạo cảm giác sai lệch về nhu cầu thị trường. Số liệu thống kê bị đẩy lên ảo, dẫn đến định giá sai. Điều này gây ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác, người có nhu cầu thật và khiến chính quyền địa phương khó nắm được thực trạng sử dụng đất.
Nhiều căn mới chỉ hoàn thiện phần thô rồi bỏ không.
Trong khi đó, hậu quả lớn nhất vẫn là lãng phí tài nguyên đô thị, hạ tầng đô thị đầu tư bài bản nhưng không có người ở, bị xuống cấp nhanh chóng, cảnh quan bị bỏ bê, biệt thự trở thành nơi tụ tập, xả rác, thậm chí tệ nạn.
Câu chuyện tưởng chừng hài hước lại phản ánh một thực tế méo mó, hàng trăm tỷ đồng tài sản đang bị “đắp chiếu” giữa các khu đô thị hiện đại. Biển cho thuê thì nhiều, người muốn thuê thì có, nhưng giao dịch lại không xảy ra.
Chia sẻ với VnBusiness, giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Khi chúng ta chưa giải quyết được vấn đề chia sẻ lợi ích một cách công bằng, bình đẳng thì nền kinh tế tiếp tục bị méo mó, bởi nguyên nhân cuối cùng chính là lợi ích. Tâm lý các nhà đầu tư dự án thì ai cũng muốn lãi nhiều nhất. Chính vì vậy, an sinh xã hội cũng như về hạ tầng kinh tế đều bị ảnh hưởng”.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết thêm, các nhà đầu tư cần phải tư duy cách thức sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả, việc sử dụng tiền đầu tư vào bất động sản nằm im rồi chờ tăng giá để bán chính là nguyên nhân làm giảm giá trị đồng tiền, gây ra lạm phát, qua đó thị trường bất động sản sẽ không thể đóng góp cho thị trường kinh tế.
“Thực trạng các bất động sản bỏ hoang là thực trạng rất tệ, nhiều bất động sản trong các khu đô thị hiện nay giá rất cao nhưng lại không được đưa vào sử dụng, điều này minh chứng cho một điều là dòng tiền bị “chôn” theo bất động sản, dẫn đến việc tiền nằm bất động và không có vòng quay, không sản sinh ra được thêm tiền”, giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Tiến Anh