Hà Nội lo ngại nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc

Hà Nội lo ngại nhiều dịch bệnh xảy ra cùng lúc
7 giờ trướcBài gốc
Hà Nội tiêm vaccine sởi cho trẻ để ngăn dịch lây lan.
Dịch sởi, tay chân miệng phức tạp, sốt xuất huyết sắp “vào mùa”
Hiện nay, số ca mắc sởi tại Hà Nội vẫn đang cao, dịch còn diễn biến phức tạp. Đơn cử, tuần qua (từ ngày 11-18/4), thành phố ghi nhận 211 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã; tuần trước đó, Hà Nội ghi nhận 212 ca mắc sởi… các tuần gần đây số ca mắc đều trên 200 ca/tuần.
Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.876 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 1 ca tử vong.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) nhận định: Các ca mắc sởi hiện nay vẫn ghi nhận chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Đặc biệt sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ, dịch sởi lại có xu hướng tăng ở nhóm người trên 10 tuổi. Dự báo số ca mắc sởi có thể sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới.
Bên cạnh dịch sởi, Hà Nội cũng đang ghi nhận hàng trăm ca mắc tay chân miệng/tuần. Tuần qua, đã có 240 trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận, tuần trước đó là 191 ca… số ca mắc tay chân miệng đã được ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã .
Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng tăng, chủ yếu là các trường hợp bệnh tản phát, ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 94,7%), đã ghi nhận một số ổ dịch ở trường mầm non và cộng đồng. Hà Nội hiện cũng đã ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại: Ba Vì; Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đông Anh.
Bên cạnh đó, những tuần gần đây, Hà Nội cũng đã rải rác ghi nhận các ca mắc sốt xuất huyết. Tuy chưa ghi nhận các ổ dịch, nhưng thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển sang nắng nóng, sốt xuất huyết sắp “vào mùa”, dịch dễ lây lan rộng.
CDC Hà Nội đang tiếp tục kiểm tra công tác quản lý số liệu, thống kê báo cáo bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết tại các địa bàn các huyện: Thường Tín, Ba Đình, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Long Biên, Ba Vì, Hà Đông. Giám sát ổ dịch sốt xuất huyết cũ năm 2024 tại Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân.
Mở rộng tiêm vaccine cho người trên 10 tuổi
Trước tình hình các dịch bệnh, nhất là sởi, tay chân miệng đang gia tăng; nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã ghi nhận ổ dịch hoặc có học sinh mắc bệnh sởi và tay chân miệng, Sở Y tế Hà Nội đang tích cực phối hợp với ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi và tay chân miệng trong trường học bằng nhiều hình thức như: Theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày của học sinh; quản lý và thống kê lý do nghỉ ốm của học sinh để nắm bắt kịp thời, đầy đủ số lượng học sinh mắc sởi, tay chân miệng nghỉ học và thông báo ngay cho trạm y tế trên địa bàn để phối hợp cách ly, xử lý kịp thời; rà soát tiền sử và tổ chức tiêm chủng vaccine sởi cho học sinh chưa tiêm chủng đầy đủ; tăng cường công tác vệ sinh khử khuẩn lớp học, đồ chơi, đồ dùng của học sinh (đặc biệt tại các trường mầm non, mẫu giáo); yêu cầu cha mẹ học sinh cho trẻ nghỉ học cách ly tại nhà để đi khám, điều trị khi mắc bệnh để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học…
Đồng thời, các địa bàn tiếp tục rà soát để tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và trẻ từ 1 - 10 tuổi, đảm bảo không bỏ sót các trường hợp. Chủ động tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, trước tình hình số ca sởi gia tăng ở nhóm người trên 10 tuổi, Hà Nội đang khẩn trương rà soát số lượng trẻ từ 11 - 15 tuổi và người trên 15 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine sởi để đề xuất tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, báo cáo Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế…
Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế trong và ngoài công lập thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngành y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng, chống lây nhiễm chéo bệnh sởi tại các cơ sở khám chữa bệnh; có phương án điều trị tốt nhất, phương án chuyển tuyến cho người bệnh trong trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất số trường hợp tử vong do bệnh sởi.
Về việc kiểm soát dịch sởi tại cơ sở y tế, tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, một trong các bệnh viện được phân tuyến tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân sởi ở khu vực Hà Nội và các khu vực lân cận, Ths.BS Nguyễn Sỹ Đức, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: "Bệnh viện đã có kế hoạch dự phòng đáp ứng các tình huống số lượng bệnh nhân sởi gia tăng. Bệnh viện đã thành lập các đơn vị riêng để điều trị nhóm bệnh nhân sởi và cũng có dự phòng để có thể mở rộng thêm nếu nhu cầu điều trị bệnh nhân tiếp tục tăng lên".
Theo đó, hằng ngày, Bệnh viện cập nhật số bệnh nhân của CDC Hà Nội, cả số bệnh nhân được chẩn đoán sởi, số bệnh nhân đang điều trị ở các bệnh viện xung quanh để có các kế hoạch dự phòng tốt nhất.
"Đặc biệt, để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, ngoài việc đảm bảo chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, hạn chế việc người nhà thăm, thay đổi người nhà; bệnh viện cũng đảm bảo tất cả các người nhà, bệnh nhân điều trị trong bệnh viện đều phải sử dụng khẩu trang, bố trí nước sát khuẩn tay nhanh ở các khu vực bệnh phòng. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng bố trí phân luồng bệnh nhân theo một tuyến nhất định; có thang máy riêng cho bệnh nhân sởi, vận chuyển theo một luồng riêng để tránh tiếp xúc với các bệnh nhân khác, tránh lây nhiễm chéo", BS. Nguyễn Sỹ Đức cho biết.
Bên cạnh dịch sởi, sốt xuất huyết, Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết trước mùa dịch; thực hiện giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/y-te/ha-noi-lo-ngai-nhieu-dich-benh-xay-ra-cung-luc-20250421172043564.htm