Chiều 13/5, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai Kế hoạch tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 và Hướng dẫn sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố.
Sắp xếp bộ máy không được làm gián đoạn các hoạt động
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đây là hai nội dung rất quan trọng, cần quán triệt để thống nhất thực hiện trên địa bàn Thành phố.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, cùng với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, một công việc đặc biệt quan trọng là sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính để thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới.
Đây là một công việc rất hệ trọng liên quan trực tiếp đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị của Thành phố. "Việc triển khai phải vừa đảm bảo thực hiện đúng các chỉ đạo của T.Ư, vừa bám sát tình hình thực tiễn của Thủ đô", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị.
Ông Phong chỉ rõ, mục đích quan trọng là phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy đủ năng lực xây dựng và tổ chức hoạt động đơn vị hành chính cấp xã mới hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Cùng với đó, đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt của chính quyền cơ sở không được gián đoạn; tăng cường công tác quản lý đất đai, tăng cường quản lý tài sản, tài liệu, không để thất thoát tài sản, thất lạc tài liệu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đồng thời, phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cả Thành phố từ 8% trở lên. Đây là những nhiệm vụ rất quan trọng, nhiều thách thức, đòi hỏi tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của cả thành phố cùng thực hiện.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, sau hội nghị quán triệt, Thành phố thống nhất nhận thức để tổ chức thực hiện, đảm bảo không có độ trễ, đảm bảo hiệu quả theo đúng định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố trên tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".
Toàn cảnh hội nghị.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc sắp xếp cán bộ theo Hướng dẫn số 09-HD/TU phải được thực hiện trên tinh thần cách mạng, không cầu toàn, "vừa chạy vừa xếp hàng". Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh yêu cầu mới từ Trung ương, Thành ủy sẽ chỉ đạo điều chỉnh.
"Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ để đóng góp ý kiến cả trực tiếp và bằng văn bản. Mọi ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ này chất lượng, hiệu quả", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nêu rõ.
Tiêu chí lựa chọn 126 Bí thư xã, phường mới
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải đã truyền đạt nội dung hướng dẫn 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã.
Hướng dẫn nêu ra định hướng xem xét, lựa chọn, bố trí cán bộ xã, phường mới. Đáng chú ý, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy phải đề xuất nhân sự cụ thể cho từng chức danh và sắp xếp, bố trí công tác đối với từng cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND), trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, địa phương lập danh sách đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều phối chung toàn Thành phố.
Trường hợp thiếu nguồn cán bộ thì có thể đề xuất nhân sự khác cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội, thành tích xuất sắc hoặc đề nghị bổ sung cán bộ từ nơi khác để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, quyết định.
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải nêu ra định hướng xem xét, lựa chọn, bố trí cán bộ xã, phường mới.
Đối với chức danh bí thư cấp ủy xã, phường mới, Thành ủy Hà Nội hướng dẫn lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các Thành ủy viên, các bí thư cấp huyện; các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện. Sau các trường hợp ưu tiên trên mới xem xét đến các cán bộ ủy viên cấp huyện; trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã. "Những cán bộ này phải có thành tích tiêu biểu, có năng lực nổi trội, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ", Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy nêu rõ.
Đối với chức danh phó bí thư cấp ủy, Thành ủy định hướng lựa chọn theo thứ tự ưu tiên như sau: Các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; các ủy viên cấp huyện, trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, bí thư cấp xã.
Ngoài nguồn cán bộ ở quận, huyện, thị xã hiện nay, Thành ủy cũng sẽ xem xét, luân chuyển, điều động tăng cường cán bộ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đang công tác tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố về cơ sở.
Trong đó, việc bố trí bí thư cấp ủy được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Cấp trưởng sở, ngành thành phố và tương đương; cán bộ trong quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030. Sau đó, thành phố sẽ ưu tiên cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển, trong quy hoạch cấp trưởng sở, ban, ngành thành phố và tương đương.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Đồng thời, Thành ủy cũng sẽ lựa chọn một số cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, tiêu biểu, có tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bố trí về các đơn vị hành chính (xã mới) trọng điểm. Cán bộ sở, ngành Thành phố cũng có thể được lựa chọn bổ sung bố trí làm phó bí thư cấp ủy xã, phường mới theo thứ tự ưu tiên: Cấp phó sở, ngành thành phố và tương đương; trưởng phòng trong quy hoạch cấp trưởng, cấp phó sở, ban, ngành Thành phố và tương đương, có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển.
Theo hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, những cán bộ lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), lần đầu được chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội.
Những cán bộ được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội. Thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ các xã, phường tính là tháng 7/2025.
Cán bộ tái cử cấp ủy thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 36 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Thời điểm tính tuổi tham gia chức danh lãnh đạo hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các xã, phường là tháng 3/2026; thời điểm tính tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) dự kiến ngay sau đại hội đảng bộ các xã, phường.
Độ tuổi tái cử ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp được thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Dự kiến, cán bộ tái cử phải còn thời gian công tác ít nhất 42 tháng trở lên tại thời điểm đại hội đảng bộ các xã, phường (tháng 7/2025).
Nguyễn Hữu Thắng