Hà Nội mở rộng sinh cảnh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hương Sơn

Hà Nội mở rộng sinh cảnh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hương Sơn
11 giờ trướcBài gốc
UBND TP.Hà Nội cho biết đang triển khai Đề án "Tăng cường liên kết vùng, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, di sản thiên nhiên vùng Đồng bằng sông Hồng", nhằm phát huy giá trị tự nhiên, bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn gen quý hiếm cũng như tính toàn vẹn của đa dạng sinh học.
Một trong những trọng tâm của đề án là bảo tồn và mở rộng sinh cảnh sống tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hương Sơn, nơi sinh sống của loài Voọc mông trắng, loài động vật nguy cấp, quý hiếm đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại rừng đặc dụng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức.
Các biện pháp bao gồm duy trì hệ sinh thái rừng nguyên sinh, khôi phục sinh cảnh tự nhiên và kiểm soát các hoạt động xâm lấn, săn bắt trái phép.
Song song đó, thành phố cũng sẽ triển khai hoạt động bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư và hệ sinh thái tại khu vực bãi giữa Văn Lang, một điểm dừng chân quan trọng của các đàn chim di cư theo mùa. Giai đoạn thực hiện đề án dự kiến kéo dài từ năm 2026 đến 2030.
UBND TP.Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các khu bảo tồn và di sản thiên nhiên.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai theo quy định nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện và kịp thời điều chỉnh kế hoạch.
Trong lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng các mô hình liên kết sản phẩm du lịch giữa các khu bảo tồn và di sản thiên nhiên thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.
Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Ba Vì, đồng thời thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và văn hóa, tâm linh tại Quần thể danh thắng Hương Sơn (Chùa Hương), xã Hương Sơn.
Việc phát triển du lịch được xác định phải song hành với công tác bảo tồn, đảm bảo các hoạt động tham quan không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và môi trường sống của các loài động, thực vật bản địa.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng UBND các địa phương chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả các nội dung của đề án. Mục tiêu là bảo tồn và khai thác bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, đồng thời phát huy giá trị tự nhiên và tiềm năng du lịch sinh thái của Thủ đô cũng như toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, đứng thứ 16 toàn cầu với hàng chục nghìn loài sinh vật quý hiếm, nguồn gen hoang dã có giá trị lớn về khoa học, sinh thái và kinh tế.
Theo Báo cáo Đa dạng sinh học quốc gia năm 2022, sinh giới Việt Nam hiện đã ghi nhận khoảng 62.600 loài sinh vật. Đáng chú ý, mỗi năm, các nhà khoa học vẫn tiếp tục phát hiện thêm nhiều loài động, thực vật mới, trong đó có ít nhất 106 loài đặc hữu chỉ có tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một trong những trung tâm quan trọng về nguồn gen cây trồng và vật nuôi trên thế giới, với hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng, cùng 887 giống vật nuôi, trong đó gần 30 giống đang được ứng dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị khẳng định, với vai trò là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn gen quý hiếm cũng như tính toàn vẹn của đa dạng sinh học.
Tuy nhiên, công tác này hiện đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng lớn từ phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và đặc biệt là sự xâm lấn của các loài ngoại lai.
Những tổn thất về đa dạng sinh học nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là không thể đảo ngược, gây ảnh hưởng lâu dài đến cân bằng sinh thái, an ninh lương thực và sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân trong toàn xã hội cần có những hành động thiết thực và cụ thể để bảo vệ thiên nhiên, đặc biệt tập trung vào các nội dung như hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh học; triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học nhằm phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo tính kết nối sinh học giữa các khu vực;
Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong công tác bảo tồn; huy động nguồn lực tài chính đa dạng để đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường và sinh học; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về ý nghĩa và vai trò sống còn của đa dạng sinh học đối với cuộc sống hiện tại và tương lai.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ha-noi-mo-rong-sinh-canh-song-tai-khu-bao-ton-thien-nhien-huong-son-d321019.html