Trong đó, đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, năm 2024, mức tiền lương bình quân của người lao động đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Người có mức tiền lương cao nhất là 25,2 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất đạt 5,1 triệu đồng/người/tháng.
Ở loại hình Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước, tiền lương bình quân của người lao động cũng đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, doanh nghiệp có mức tiền lương cao nhất là 43 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp có mức tiền lương thấp nhất là 5,2 triệu đồng/người/tháng.
Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, tiền lương bình quân của người lao động năm 2024 thấp hơn một chút so với hai loại hình doanh nghiệp trên, đạt mức 7,3 triệu đồng/người/tháng song người có mức tiền lương cao nhất lại nhỉnh hơn, đạt 59 triệu đồng/người/tháng, thấp nhất là 5 triệu đồng/người/tháng.
Người lao động làm việc tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Ở khối doanh nghiệp FDI, tiền lương bình quân của người lao động năm 2024 là 7,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, người có mức tiền lương cao nhất là 147 triệu đồng/người/tháng, mức tiền lương thấp nhất là 4,96 triệu đồng/người/tháng (bằng mức lương tối thiểu vùng I).
Sở LĐTBXH Hà Nội đánh giá trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn gặp khó khăn. Vẫn còn có doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn kinh phí chi trả lương dẫn đến nợ lương người lao động.
Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, Sở LĐTBXH Hà Nội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp nợ lương thanh toán tiền lương cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Cùng đó, Sở LĐTBXH Hà Nội cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; tham gia phối hợp và hỗ trợ về công tác chuyên môn đối với các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tranh chấp trên địa bàn thành phố, để ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn, nhất là vào dịp lễ, Tết.
Thông qua các hoạt động đã giúp người sử dụng lao động và người lao động có cách nhìn đúng đắn hơn về trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên trong việc chấp hành những quy định của pháp luật từ đó, tránh những rủi ro có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và hệ lụy cho doanh nghiệp, do thực hiện chưa đúng chính sách về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, các hoạt động này cũng giúp người sử dụng lao động, người lao động thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, tạo nên mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Thủ đô.
P.Diệp