Quận Hoàn Kiếm là quận có số lượng đạt tiêu chuẩn cho thuê vỉa hè lớn nhất.
Trong đó, 11 quận gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên và 5 huyện gồm: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng.
Quận Hoàn Kiếm được nghiên cứu 40 tuyến phố, là địa phương có số lượng đạt tiêu chuẩn cho thuê vỉa hè lớn nhất...
Từ kinh nghiệm của một số nước đã nghiên cứu và của một số đô thị trong nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí để cho thuê vỉa hè. Cụ thể, một là hè phố cho phép kinh doanh phải có vỉa hè rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm); bề rộng hè phố đảm bảo từ 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ 1,5m, bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện.
Đối với khu phố cổ cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m, được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác do UBND quận cấp phép.
Các tiêu chí tiếp theo là bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo yếu tố an toàn, văn minh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp quận, huyện cấp phép về thời gian và mặt hàng kinh doanh. Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh di động phải được trang bị quầy bán hàng theo quy cách được UBND cấp huyện ban hành.
UBND cấp quận, huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho kinh doanh vỉa hè, đường phố hoặc trông giữ xe tạm thời nhằm tạo sự đồng thuận.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất 9 mô hình áp dụng với vỉa hè có bề rộng mặt cắt từ tối đa 1,5m đến hơn 7,5m để kinh doanh, phục vụ phát triển kinh tế đô thị, tạm trông giữ phương tiện giao thông. Trong đó, mô hình 1 áp dụng với khu vực phố cổ không cho phép kinh doanh nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đảm bảo tối đa là 1,5m.
Cụ thể, nếu chiều rộng vỉa hè chỉ đạt tối đa 1,5m thì sử dụng toàn bộ không gian dành cho người đi bộ, người khuyết tật. Nếu vỉa hè rộng từ 1,5 đến 3m khoảng chiều rộng còn lại sát công trình, nhà ở được cấp phép kinh doanh; riêng 1,5m chiều rộng phần tiếp giáp lòng đường dành cho người đi bộ, người khuyết tật.
Phạm vi áp dụng đối với mô hình 1 là khu vực phố cổ trong thời gian tổ chức không gian phố đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép, đồng thời phải thỏa mãn các tiêu chí cơ bản trong đề án.
Các mô hình còn lại áp dụng với vỉa hè có bề rộng lớn hơn 3m đến hơn 7,5m, trong đó ưu tiên tối thiểu 1,5m bề rộng ở giữa dành cho người đi bộ, khoảng không bên trong sát nhà ở, công trình được bố trí để kinh doanh còn phần vỉa hè tiếp giáp lòng đường được cho đỗ xe đạp, xe máy nếu bảo đảm diện tích.
Dự thảo cũng đưa ra quy định khai thác, sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng đường để trông giữ phương tiện. Việc cấp mới, điều chỉnh, thu hồi giấy phép cho thuê hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh do Sở Giao thông vận tải, UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp. Trong nội dung giấy phép phải quy định rõ phạm vi, thời gian, tổ chức, cá nhân được sử dụng một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ hoặc kinh doanh.
Phí sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh được xác định theo Nghị quyết số 6 ngày 7/7/2020 của HĐND thành phố, từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng. Cần có lộ trình, quy định chặt chẽ và mức giá cụ thể đối với mỗi mặt hàng
Trong tình hình nhiều quận nội thành hiện nay còn đang diễn ra tình trạnh lấn chiếm vỉa hè, việc Thành phô Hà Nội tiến hành khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè được nhiều người dân mong chờ và ủng hộ.
Ông Nguyễn Ngọc Tâm, nhà quận Hoàng Mai cho rằng, nhiều năm qua, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định luôn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô. Do đó, việc Thành phố Hà Nội tính toán phương án cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tâm, việc cho thuê vỉa hè không chỉ hợp pháp hóa các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ vốn phổ biến, giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần giữ gìn trật tự đô thị, tạo sự văn minh và ngăn nắp trong không gian công cộng. Đồng thời, nếu được triển khai hiệu quả, các khu vực vỉa hè có thể trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút du khách và quảng bá hình ảnh Thủ đô hiện đại, năng động.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự hài hòa, cần cân nhắc kỹ lưỡng, bảo vệ quyền lợi người đi bộ và giữ vững mỹ quan đô thị. Bài toán này rất cần sự thấu hiểu, chung tay từ chính những người dân Thủ đô.
Anh Nguyễn Hoàng Khải, quận Hai Bà Trưng cho biết, trước đây vỉa hè vốn được coi là khu vực công cộng và là nơi kinh doanh, thậm chí sinh hoạt cho một số hộ dân. Nhiều gia đình cũng nhờ vỉa hè để buôn bán kiếm sống mưu sinh qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, ngày nay thủ đô đã văn minh hiện đại thì việc quy hoạch lại vỉa hè để cho thuê sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, nhất là tại nhiều quận lõi của thủ đô, nơi có hoạt động du lịch phát triển.
Theo anh Nguyễn Hoàng Khải, việc cho thuê vỉa hè theo quy định, khuôn khổ sẽ giúp bảo đảm trật tự của vỉa hè, bảo đảm lợi ích của người đi bộ, họ có chỗ đi lại, có chỗ để xe. Tuy nhiên cần bảo đảm chặt chẽ công tác quản lý, giá thuê, mức giá thuê và đối tượng thuê vỉa hè, cần có những quy định chặt chẽ để không bị trục lợi.
Đồng quan điểm, chị Mai Hồng Ngọc, chủ quán cà phê ở quận Ba Đình cho biết, quán cà phê nhà chị có diện tích hơi nhỏ nên cũng nhu cầu được thuê vỉa hè nếu được phép. Tuy nhiên, chi Mai Hồng Ngọc cho rằng cần phải nghiên cứu và đưa ra mức giá phù hợp, tùy tuyến phố chứ không để giá chung bởi vì có phố đông, có phố vắng. Đối với những gia đình không muốn cho thuê vỉa hè, mà có người khác thuê vỉa hè đến bán trước cửa quán của mình thì sẽ bị bất cập.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa, nhà quận Cầu Giấy cho biết, bà về hưu đã lâu và mở quán trà đá nhỏ để kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ con cái. Được biết, Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu cho thuê vỉa hè tại 40 tuyến phố để phục vụ kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, bà Nguyễn Thị Hoa rất vui mừng bởi lẽ điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Tuy nhiên, bà Hoa băn khoăn đối với quán nước của bà mà phải thuê với mức giá thuê vỉa hè từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng, thì những người bán trà đá như bà sẽ không đủ kinh phí để chi trả cho thuê mặt bằng, bởi mỗi mặt hàng sẽ có thu nhập khác nhau.
Hoàn Kiếm hiện là quận đang cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021. Trong đó, có 4 địa điểm được chấp thuận sử dụng một phần vỉa hè để phục vụ kinh doanh với giá 45.000 đồng/m2/tháng và phải bảo đảm lối đi tối thiểu 1,5m cho người đi bộ.
Trước tình hình thực tế tại 1 số tuyến phố, vỉa hè đang bị chiếm dụng như hiện nay thì sẽ chẳng có gì khó hiểu khi đề xuất cho thuê vỉa hè làm nơi kinh doanh lại nhận được nhiều ý kiến đồng tình của người dân như vậy.
Theo anh Nguyễn Quang Trung, quận Hoàn Kiếm thì việc thực hiện cho thuê vỉa hè là chủ trương rất đúng của Hà Nội. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể và cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không việc cho thuê vỉa hè vô hình chung sẽ gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh đó, gây khó khăn cho kinh doanh của gia đình và ảnh hưởng đến việc đi lại.
Tóm lại, việc cho thuê vỉa hè cần hướng đến mục tiêu cải thiện, tổ chức lại không gian đô thị, trong đó, việc hoạch định các chức năng như điểm kinh doanh, đi bộ, dừng đỗ, tiện ích công cộng, điểm giữ xe trên vỉa hè phải được tính trước và cần có sự đồng thuận của người dân mới có thể triển khai hiệu quả. Ngoài ra, để tổ chức thu phí dùng vỉa hè, lòng đường, thành phố cần phân loại các tuyến cụ thể và thực hiện trong khuôn khổ với những hoạt động nhất định. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ riêng ngành giao thông có thể tính toán, xây dựng phương án mà cần các ngành quy hoạch, kế hoạch đầu tư, môi trường... cùng thực hiện.
Hưng Thịnh