Dù mới được đưa vào khai thác chưa lâu, tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài (Nam Từ Liêm – Hà Đông) cùng nhiều tuyến khác ở Hà Nội đã bộc lộ hàng loạt bất cập trong tổ chức giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại an toàn, thuận tiện của người dân.
Theo đó, ngay sau lễ thông xe toàn tuyến Lê Quang Đạo kéo dài ngày 19/4/2025, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội đã kiểm tra thực địa và phát hiện nhiều điểm bất hợp lý.
Cụ thể, một số biển báo giao thông trên tuyến bị cành cây, cột đèn che khuất khiến tầm nhìn bị hạn chế. Nhiều vị trí giao cắt chưa được bổ sung biển chỉ dẫn rõ ràng, khiến người tham gia giao thông dễ lúng túng, đặc biệt tại các ngã ba, ngã tư giao với đường Đại Mỗ (tỉnh lộ 70 cũ) và đường Đại Linh, nơi vẫn còn tồn tại biển báo công trường dù tuyến đã đưa vào sử dụng.
Hệ thống vạch sơn tại các nút giao cũng chưa được bố trí hợp lý, thiếu khoa học, không định hướng rõ làn đường cho xe thoát khỏi nút. Riêng tại hướng từ Đại lộ Thăng Long đi Đại Mỗ, hiện chưa có làn rẽ phải liên tục nên ô tô bị cấm rẽ từ Lê Quang Đạo kéo dài vào Đại Mỗ – gây bất tiện lớn cho người dân khu vực.
Biển báo giao thông trên đường Lê Quang Đạo (tuyến đường mới thông xe hồi tháng 4/2025) bị che khuất bởi hệ thống cây xanh.
Tình trạng tương tự xảy ra trên đường gom Đại lộ Thăng Long. Một số đoạn hoàn trả mặt đường kém chất lượng, lún võng, cập kênh, gây mất an toàn và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tại tuyến đường Cầu Giấy, dù đã nhiều lần thảm bù lún, nhưng mặt đường vẫn không bằng phẳng, ảnh hưởng tới tốc độ lưu thông.
Ông Nguyễn Hoàng Hải (Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội) cho biết đơn vị thường xuyên kiểm tra và yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm thi công đúng thiết kế, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Riêng tuyến Lê Quang Đạo kéo dài, Ban đã có văn bản yêu cầu UBND quận Nam Từ Liêm và các bên liên quan nhanh chóng khắc phục bất cập trong tổ chức giao thông, đặc biệt tại các điểm giao cắt.
Hà Nội cần siết lại công tác kiểm tra, giám sát và xử lý dứt điểm các tồn tại – ngay từ khâu hoàn thiện kỹ thuật đến vận hành sau thông xe.
Về phía Sở Xây dựng, trước đó đã rà soát và phát hiện 10 bộ biển báo không còn phù hợp, 293 vị trí thiếu biển, 341 bộ biển chưa đúng quy chuẩn và 161 bộ biển hư hỏng. Các lỗi này đã được xử lý bước đầu, giúp cải thiện tình trạng lộn xộn vốn tồn tại trên nhiều tuyến đường.
Tuy nhiên, theo đại diện đơn vị quản lý về hạ tầng giao thông tại Hà Nội, những bất cập kể trên là lời cảnh báo rõ ràng về tình trạng làm đường nhưng xem nhẹ tổ chức giao thông đi kèm – từ hệ thống biển báo, sơn kẻ đường đến hạ tầng phụ trợ. Nếu không xử lý triệt để, người dân dù đi trên đường mới cũng vẫn đối mặt với rủi ro như đang di chuyển ở các tuyến xuống cấp.
CSGT Hà Nội xử lý vi phạm nồng độ cồn, sử dụng thiết bị đo cồn mới có thể chụp ảnh người vi phạm.