Hà Nội-những ký ức không quên

Hà Nội-những ký ức không quên
3 giờ trướcBài gốc
Với những nhân chứng đã từng chứng kiến Hà Nội ngày toàn thắng giờ đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm” nhưng những ngày tháng Thủ đô tưng bừng cờ hoa mãi là những dấu ấn không bao giờ phai mờ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải: “Tôi luôn dành tình yêu đặc biệt cho Hà Nội”
Năm nay tôi đã 92 tuổi và từ khi đi kháng chiến cho đến tận bây giờ, tình yêu dành cho Hà Nội của tôi luôn đặc biệt, tôi yêu từng góc phố, mỗi hàng cây của mảnh đất này.
Ngày tiếp quản Thủ đô 10-10-1954, tôi và gia đình chưa về Hà Nội mà phải đến ngày 12-10-1954 thì gia đình tôi mới trở về Thủ đô.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải.
Lúc đó, tôi nghe được tin Hà Nội chiến thắng khi trên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Nghe đến câu hát “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, tôi thấy tự hào lắm. Nghe bài hát này, tôi thấy lòng mình phấn khởi vô cùng. Thủ đô được giải phóng thì tôi sẽ được về nơi ở cũ, lúc đó cảm xúc như muốn vỡ òa, vui mừng vô cùng.
Trong thời gian đi kháng chiến, mọi thứ thiếu thốn, vô cùng khó khăn. Những năm chiến tranh, đất nước chìm trong khói lửa bom đạn vô cùng khốc liệt. Vì thế, nghe tin Thủ đô giải phóng, ai cũng mừng vui.
Không khí những ngày Hà Nội mới giải phóng rất tưng bừng, ra đường nhìn nét mặt người Hà Nội ai cũng rạng rỡ. Khi đặt chân về Hà Nội, bao kỷ niệm từ khi còn bé thơ lại hiện về trong tôi về. Lúc đó, tôi chạy bộ ngay đến ngôi trường mà mình đã học để xem có còn nguyên vẹn không. Cảm giác khi thấy trường vẫn còn thì vui vô cùng. Bây giờ ngôi trường đó là Trường Tiểu học Việt Nam-Cu Ba.
----------
Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308, Quân đoàn 12): “Bài hát Tiến về Hà Nội như một dự báo về ngày chiến thắng”
Tôi vô cùng phục tài sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao khi viết tác phẩm âm nhạc “Tiến về Hà Nội”. Bài hát như một lời dự báo về ngày chiến thắng của Hà Nội, với ca từ, giai điệu rất đẹp.
Đại tá Dương Niết.
Tôi có mặt tại Thủ đô vào ngày 8-10-1954, chứng kiến Hà Nội ngày giải phóng, tôi vui mừng vô cùng. Về tiếp quản Hà Nội có rất nhiều chiến sĩ sinh ra ở các vùng quê khác nhau như Nghệ An, Quảng Bình... nhưng ai cũng xúc động và tự hào được đứng trong đoàn quân tiến về Hà Nội.
Đêm 9-10-1954, là đêm không ngủ của người Hà Nội, mọi người thức để chứng kiến những lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô, rồi hò reo, ùa ra đường, trò chuyện từ trong nhà ra ngoài phố, ai ai cũng vui.
Khi quân Pháp rút đi hết thì không khí của Hà Nội lâu ngày như bị dồn nén và đến ngày bùng lên, khó có thể diễn tả hết sự vui sướng của người dân Hà Nội khi đó.
-------------
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo: “Hà Nội ngày giải phóng là những ký ức không bao giờ quên”
Khi Hà Nội được giải phóng, tôi mới 3 tuổi nên chưa thể cảm nhận được không khí của Hà Nội lúc đó. Lớn lên, tôi được nghe bố mẹ kể lại đồng thời xem những thước phim, hình ảnh về ngày giải phóng, đặc biệt là ở khu phố cổ, khi những chiến sĩ tiếp quản Thủ đô tiến vào thì thấy xúc động lắm. Tôi đã xem lại nhiều lần hình ảnh đó và cảm thấy khung cảnh Thủ đô rực rỡ, gương mặt ai cũng ánh lên niềm hạnh phúc, vui sướng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo.
Có rất nhiều bức ảnh Hà Nội ngày giải phóng do những người dân chụp. Chúng tôi đã từng làm một cuốn sách ảnh về những ngày tiếp quản của những "nhiếp ảnh gia" nghiệp dư. Trong đó, có nhiều bức ảnh sinh động bởi người dân chụp khi đó bằng cảm xúc, tình cảm dành cho Thủ đô và các chiến sĩ vào tiếp quản nên cho dù không theo một bố cục hay giáo trình nhiếp ảnh nào thì ảnh vẫn đẹp bởi tính chân thật và mang tính lịch sử.
Những ngày này, được xem lại các thước phim về Hà Nội, tôi như được trở về quá khứ. Những hoạt động nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô để thế hệ ngày nay hiểu thêm về một trang sử vẻ vang của dân tộc.
KHÁNH HUYỀN (thực hiện)
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/ha-noi-nhung-ky-uc-khong-quen-797456