Theo đánh giá sơ bộ của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2024, các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai đảm bảo mục tiêu của kế hoạch.
Xây dựng mạng lưới liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, thực hiện Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 6/11/2023 của UBND thành phố về việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ước tính đến hết năm 2024 có khoảng 85% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 65% các doanh nghiệp tại các làng nghề của Hà Nội được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm. Ảnh: Thu Hường
Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
Cụ thể, Hà Nội đã thực hiện đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên, nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành chế biến thực phẩm, đồ uống nước giải khát, vật liệu xây dựng. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực công thương, cơ sở công nghiệp nông thôn; đánh giá hiện trạng sử dụng nguyên nhiên liệu, nguyên vật liệu, năng lượng cho ngành giấy bao bì trên địa bàn thành phố… cùng với các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng, phổ biến công cụ hỗ trợ trong quản lý để áp dụng sản xuất sạch hơn; nhân rộng các mô hình, điển hình tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững; phát triển mạng lưới liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm.
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nguyễn Đình Thắng cho hay, trong năm 2024, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức phổ biến 3 chuỗi kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” cho các nhóm ngành, lĩnh vực: Ngành gốm sứ; ngành chế biến nông sản; các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP.
Các hội chợ, triển lãm đã góp phần nâng cao nhận thức của cơ sở sản xuất và người tiêu dùng. Ảnh: Thu Hường
"Qua đó, tạo hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu dùng bền vững, các cơ sở sản xuất kinh doanh cùng các hiệp hội ngành nghề đã ký kết hợp tác cung cấp nguyên liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, hình thành thói quen sản xuất, xanh, tiêu dùng xanh", ông Thắng cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Thắng, trong năm 2024, Sở Công Thương cũng tiến hành khảo sát, rà soát, thống kê, tính toán và xây dựng Báo cáo kiểm kê khí nhà kính cho thành phố Hà Nội (năm cơ sở 2020) đối với các lĩnh vực: Năng lượng; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (IPPU); nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU); chất thải. Triển khai thực hiện các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố Hà Nội và xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho thành phố Hà Nội đối với các năm cơ sở tiếp theo.
Phát triển hệ thống phân phối, xuất khẩu bền vững
Nhằm phát triển hệ thống phân phối, xuất khẩu bền vững, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai hỗ trợ cung cấp thông tin, hướng dẫn, phổ biến cho người tiêu dùng về các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, thân thiện môi trường.
Song song với đó, ngành Công Thương thủ đô đã tổ chức chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường kết hợp với lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững.
Thông qua các hoạt động, duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội”, từ đó, hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho các cơ sở là: Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; cấp bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí trên hệ thống…
Để chương trình đạt hiệu quả cao, ngành Công Thương đã lồng ghép các nội dung chương trình vào các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Quản lý và phát triển hoạt động logistics; phát triển thương mại điện tử; chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chương trình khuyến công; chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025...
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2025 giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể: Dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 100%.
Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững. Ảnh: Thu Hường
Đồng thời, 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Phấn đấu 70-80% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy…
Nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm xanh được Hà Nội triển khai. Ảnh: Thu Hường
Để đạt được các mục tiêu trên, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông; thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững.
Thu Hường