Hà Nội: Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh dược phẩm

Hà Nội: Phát hiện hàng loạt sai phạm trong kinh doanh dược phẩm
13 giờ trướcBài gốc
Nhiều sản phẩm thực phẩm bổ sung có dấu hiệu giả mạo bị phát hiện. Nguồn: Chi cục QLTT TP. Hà Nội
Điển hình là ngày 6/5/2025, Đội QLTT số 14 đã phối hợp cùng Đội 7, Phòng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Thiết kế và in Đức Phương có địa chỉ tại Lô C5-D5-12, Cụm sản xuất làng nghề tập trung, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (trụ sở chính tại số 878 đường La Thành, phường Giảng Võ, quận Ba Đình).
Cảnh báo từ lực lượng chức năng: Việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.
Người dân cần cảnh giác khi lựa chọn sản phẩm, đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty hoạt động không có xác nhận đăng ký hoạt động in từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tiếp đó, đoàn tiến hành kiểm tra tại Công ty CP thương mại Open Pharma (có địa chỉ tại Nhà B1, BT3 Ngõ 214 Nguyễn Xiển, Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 9.000 hộp sản phẩm ăn dặm nhãn hiệu LIOCARE không có hóa đơn chứng từ do Ấn Độ sản xuất. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên đã bị tạm giữ để tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định pháp luật.
Ngày 7/5/2025, Đội 7, Phòng PC03 đã chủ trì, phối hợp với Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Dược phẩm MEDICAL Việt Nam tại địa chỉ số 114 DV3, khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội (trụ sở chính Công ty tại số 93 Ngô Thì Sỹ, phường Văn Phú, quận Hà Đông, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận số lượng lớn thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm đặt âm đạo, siro uống, xịt mũi… đang được bày bán tại cơ sở, với tổng số lượng hơn 30.000 sản phẩm được sản xuất tại các nước như: Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Ba Lan...
Nhiều sản phẩm không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hoặc có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ.
Đáng chú ý, lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện, doanh nghiệp không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, không thực hiện việc niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định.
Cùng ngày, đoàn đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dược phẩm Lam Sơn có địa chỉ: tầng 4, số 65, Lô 5, Khu đô thị Đền Lừ 2, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận Công ty đang kinh doanh lô hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe VICSEN (xuất xứ Pháp) với tổng số lượng khoảng hơn 2.000 hộp.
Đại diện Công ty là ông Lê Tá Nguyên - Giám đốc đã cung cấp các tài liệu như: tờ khai hải quan, phiếu công bố sản phẩm, giấy tiếp nhận bản công bố…; tuy nhiên vẫn chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng đang kiểm tra.
Toàn bộ lô hàng nêu trên hiện đã được lực lượng chức năng tạm giữ để điều tra, xác minh. Đội QLTT số 17 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội để xử lý theo quy định.
Ngày 8/5/2025, Đội QLTT số 10 phối hợp với Phòng PC03 và Công an thị trấn Quang Minh kiểm tra kho hàng của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dược phẩm Đức Phát tại địa chỉ số 65, đường Hoa Điệp Vàng, khu đô thị Long Việt, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 464 thùng hàng, chứa hơn 40.000 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang các nhãn hiệu như: GOLD OMEGA-3.6.9, GENZEN, TONIC JOINT, BONES PRO, SUDATIN, GANIC LIVER, COIMEX, HEPA GOOD...
Qua xác minh ban đầu, đại diện cơ quan Công an cho biết toàn bộ số hàng này có liên quan đến đối tượng Phạm Ngọc Tiến (sinh năm 1988, trú tại phường Phúc La, quận Hà Đông) - người đang bị điều tra trong vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả do Phòng PC03 thụ lý.
Tiếp đó, ngày 9/5/2025, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng PC03 tiếp tục kiểm tra tại trụ sở Công ty TNHH Dược phẩm V-care, địa chỉ: Số C49-09, khu đô thị Geleximco, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội.
Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty này đã mua gần 90.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung từ Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (sinh năm 1988).
Danh mục hàng hóa bao gồm nhiều dòng sản phẩm như: LUMINA GEL, PROBI V PLUS, METONIS-CD, ORNAGYL, NUTRICALCI PLUS, HEMONA, ACTILIFE, REVAG-M, VAGANEO-L, EGARONE 200, OMEGA Q10, INTIMAXXPLUS...
Toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo trên đã được lực lượng QLTT lập biên bản, niêm phong, tạm giữ chuyển cơ quan Công an điều tra và xử lý theo quy định pháp luật.
Quang Hùng
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/ha-noi-phat-hien-hang-loat-sai-pham-trong-kinh-doanh-duoc-pham.html