Hà Nội phát triển bền vững: từ Luật Thủ đô tới lời tâm huyết của vị thượng nghị sĩ Mỹ

Hà Nội phát triển bền vững: từ Luật Thủ đô tới lời tâm huyết của vị thượng nghị sĩ Mỹ
11 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khóa XIII (2011-2016), Ủy viên Hội đồng Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam (VPDF), Đại sứ Hà Huy Thông. Ảnh: Huy Hoàng
Là một trong những đại biểu góp phần vào quyết định thông qua Luật Thủ đô 2012, ông nhận định về dấu mốc 1 năm Luật Thủ đô (sửa đổi) 2024 được thông qua (28/6/2024-2025) và bước đầu đã được triển khai như thế nào?
Việc ban hành Luật Thủ đô năm 2012 và sửa đổi vào năm 2024 đều gắn với những dấu mốc quan trọng của Hà Nội và cả nước. Năm 2010, Ngân hàng Thế giới lần đầu xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Ngay sau đó, trong chương trình lập pháp năm 2011, việc xây dựng Luật Thủ đô đã được đưa ra bàn thảo và đến năm 2012, luật chính thức được thông qua. Khi bắt đầu có hiệu lực vào năm 2013, Luật Thủ đô chủ yếu mang tính kỹ thuật lập pháp, nhằm tạo sự tương thích bước đầu với pháp luật quốc tế.
Sau hơn 10 năm triển khai, trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng và yêu cầu mới về phát triển đô thị, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hết sức cần thiết để phù hợp với thực tiễn và định hướng tương lai.
Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, vì vậy việc thông qua bộ luật sửa đổi vào thời điểm này mang ý nghĩa rất lớn. Đến nay, khi bộ luật sửa đổi bước đầu được triển khai, cũng là thời điểm nhiều sự kiện của cả nước và đối ngoại diễn ra, trong đó sắp tới có kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập nước và kỷ niệm năm tròn, chẵn với một loạt quốc gia, trong đó sắp tới sẽ diễn ra kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập nước cùng nhiều dịp kỷ niệm năm tròn, năm chẵn với các quốc gia đối tác.
Hà Nội, với vai trò là Thủ đô, sẽ tiếp tục là đầu tàu triển khai các sự kiện này, góp phần tạo nên dấu ấn chung của cả nước.
Hà Nội cần gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử trong bối cảnh phát triển nhanh chóng. Một góc phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khi nói đến Luật Thủ đô, tính đặc thù của Hà Nội cũng được nhắc tới, theo ông đó là gì và cần thúc đẩy những yếu tố đó như thế nào?
Khi nói đến Hà Nội không thể không nhắc tới tính đặc thù khi đây là trung tâm chính trị, nơi tọa lạc của các cơ quan T.Ư, như Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… Bên cạnh đó, Thủ đô là nơi duy nhất có trụ sở các Đại sứ quán và trụ sở chính của cơ quan đại diện Liên hợp quốc, trong khi các địa phương có thể có trụ sở của Tổng lãnh sự quán hay Văn phòng đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế.
Nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế coi số lượng Cơ quan đại diện ngoại giao của các nước ở một nước hay của một nước ở nước ngoài là một trong những thước đo uy tín, vị thế quốc tế của một quốc gia.
Do đó, đối với Hà Nội, điều này cần chú trọng. Việc chăm sóc và tạo điều kiện làm việc cho các cơ quan này trên địa bàn Thủ đô, khu vực Ngoại giao đoàn (NGĐ) góp phần vào tăng cường tính kết nối, đại diện của Hà Nội, nếu làm tốt có thể qua đây góp phần cải thiện hình ảnh, quan hệ và cơ hội hợp tác hơn nữa của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung với bạn bè quốc tế.
Ví dụ như theo Điều 21 Công ước Vien của Liên Hợp quốc về quan hệ ngoại giao 1961 và Điều 30 Công ước Viên 1963 của LHQ về quan hệ lãnh sự, nước chủ nhà (qua Bộ Ngoại giao) có trách nhiệm tạo điều kiện cho các Cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự mua hay thuê nhà để ở.
Một kinh nghiệm từ quốc tế là có thể đánh thuế cao khu vực giành cho các Cơ quan T.Ư và Hà Nội cùng khu vực NGĐ để giãn dân, đảm bảo đàng hoàng, khang trang, rộng thoáng, đảm bảo tính đại diện quốc gia, an ninh, an toàn, hạn chế tệ nạn xã hội, ảnh hưởng hình ảnh quốc gia….
Du khách dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đại sứ có thể chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và triển khai Luật thủ đô?
Yếu tố tham khảo quốc tế rất quan trọng để đưa ra chương trình lập pháp phù hợp. Hiện có 11 quốc gia có Luật Thủ đô: Mỹ là quốc gia đi đầu từ năm 1973, sau đó là các quốc gia khác bao gồm Argentina, Ấn Độ, Brazil, Canada, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Nigeria, Pakistan và Australia. Câu chuyện Luật thủ đô đã được thế giới bàn luận từ thế kỷ XVIII khi đứng trước Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất – sự kiện tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa nhanh chóng – qua đó đem đến cả cơ hội và thách thức cho các đô thị, rất cần khung pháp lý để điều chỉnh.
Từ kinh nghiệm các nước khi làm Luật Thủ đô, tôi cho rằng việc khá quan trọng là xác định khu vực địa lý hay vùng Thủ đô rõ ràng. Trong bối cảnh cả nước triển khai chính quyền 2 cấp, có sự thay đổi lớn trong vận hành, theo tôi, một số nội dung của Luật sẽ còn cần tiếp tục được cập nhật cho phù hợp với tình hình mới.
Mặt khác, các bộ luật đều rất quan tâm đến tính hiệu quả trong triển khai. Luật Thủ đô quan trọng không chỉ với Thủ đô mà còn có giá trị tham khảo để các tỉnh, thành soi chiếu trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và thay đổi từng ngày diễn ra nhanh chóng.
Đánh giá về tính hiệu quả, theo ông điểm đáng lưu ý của Luật Thủ đô 2024 nhằm tận dụng tiềm năng của Hà Nội tiến đến những mục tiêu trong phát triển là gì thưa ông?
So với điều luật cũ, Luật Thủ đô sửa đổi 2024 có thêm nhiều điều khoản mới, cụ thể hóa nhiều nội dung phát triển cho TP Hà Nội, nhiều khái niệm mới được bổ sung như Quy hoạch không gian, theo tôi rất “đúng và trúng” phù hợp với những mục tiêu phát triển hiện nay của Hà Nội. Trong đó có nội dung riêng nhằm đảm bảo Hà Nội phát triển bền vững hơn với điều khoản về môi trường, sức khỏe, văn hóa, giáo dục, y tế…
Trong xếp hạng của Tạp chí The Economist (Nhà Kinh tế) hàng năm để đánh giá các Thành phố đáng sống “livable city” trên thế giới đã đưa ra 5 tiêu chí – (1) Ổn định hòa bình, mức độ nguy cơ chiến tranh, tội phạm, khủng bố, bất ổn dân sự (2) Sức khỏe cư dân, hệ thống y tế công và tư (3) Văn hóa và môi trường, bất lợi về khí hậu, thời tiết (4) Giáo dục, chất lượng trường tư (5) Cơ sở hạ tầng, hệ thống đường phố, vỉa hè, phương tiện công cộng, chất lượng nhà….
Theo đó, tạp chí xếp hạng Hà Nội ở vị trí 129 trong danh sách "Thành phố đáng sống nhất thế giới" năm 2023. Như vậy là tăng 20 bậc so với năm 2022, và là thành phố duy nhất của Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này. Tôi thấy mừng khi chỉ số này của Hà Nội đã tăng lên. Nếu Luật Thủ đô sửa đổi được thực hiện hiệu quả, tôi tin tưởng thứ hạng của Hà Nội sẽ còn được nâng cao hơn nữa, thể hiện việc Thủ đô đã tận dụng được những thế mạnh, nâng cao vị thế và không nằm ngoài xu thế phát triển hiện đại của thế giới.
Đại sứ Hà Huy Thông (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo của Thượng nghị sĩ John Kerry và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai (thứ hai từ phải sang) tháng 11/1992. Ảnh: NVCC
Đề cập tới sự phát triển bền vững của Hà Nội, có câu chuyện nào ông muốn chia sẻ từ khía cạnh bạn bè quốc tế nhìn nhận?
Sau khi Mỹ bắt đầu nới lỏng cấm vận với Việt Nam với vòng đàm phán đầu tiên diễn ra năm 1991, Ủy ban Đặc biệt về các vấn đề về tù binh, quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam (POW/MIA) của Thượng viện được thành lập. Thượng nghị sĩ (TNS) John Kerry với tư cách Chủ tịch Ủy ban đã tới Hà Nội vào tháng 11/1992 để làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai.
Trong chuyến đi, ông John Kerry cũng bày tỏ tâm huyết với việc quy hoạch phát triển Hà Nội. Cụ thể, khi dự chiêu đãi của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thời điểm đó, ông chia sẻ ngưỡng mộ đặc biệt với cảnh quan thiên nhiên, hồ nước, cây xanh, mà theo ông là chìa khóa đảm bảo cân bằng sinh thái của Hà Nội, bên cạnh đó những nét kiến trúc của Pháp cổ rải rác ở các biệt thự, trụ sở cơ quan, theo ông cũng cần được bảo tồn.
TNS John Kerry cho rằng, Thủ đô cần tập trung gìn giữ di sản, tháo dỡ những khu vực cơi nới, khôi phục những công trình kiến trúc cổ mang đậm chất Hà Nội, đặc biệt là những di tích, chùa chiền mang giá trị lịch sử. Ông coi đây là con đường dài hơi để đảm bảo sự phát triển bền vững, mặt khác thu hút khách du lịch và đem đến những lợi ích lâu dài. Ông John Kerry lúc đó nói rằng người nước ngoài tới Hà Nội không để ở khách sạn 5 sao, họ tới để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, giáo dục, con người.
Ông ấy lúc bấy giờ cũng dẫn việc nhiều đô thị bền vững trên thế giới khi đó đã chú trọng hai vấn đề là khống chế việc xây nhà cao tầng ở nội đô thủ đô, cũng như bảo tồn vỉa hè cho người đi bộ. Đây cũng là hai vấn đề ông John Kerry cho rằng Hà Nội có thể lưu ý để phát triển bền vững hơn. Đồng thời ông ấy cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp luôn cần đảm bảo lợi ích, xây nhà cao tầng, nhưng chính quyền cần nhìn vào lợi ích của người dân về lâu dài, đây là điều mà tôi thấy rất đồng tình.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Tú Anh,Huy Hoàng
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ha-noi-phat-trien-ben-vung-tu-luat-thu-do-toi-loi-tam-huyet-cua-vi-thuong-nghi-si-my.754600.html