Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 174,8ha. (Ảnh minh họa)
Vị trí nghiên cứu quy hoạch thuộc địa giới hành chính các xã Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội. Phía Bắc giáp đất nông nghiệp xã Thắng Lợi và xã Dũng Tiến; Phía Nam giáp đường tỉnh 429 và đất nông nghiệp xã Tô Hiệu; Phía Đông giáp đất nông nghiệp xã Tô Hiệu và xã Thắng Lợi; Phía Tây giáp đất nông nghiệp xã Nghiêm Xuyên và xã Dũng Tiến.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000, Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án "Thành lập 02-05 khu công nghiệp mới giai đoạn 2021 - 2025" đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Góp phần đảm bảo nguồn cung cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố, đáp ứng nhu cầu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước và Hà Nội nói chung và đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố nói riêng.
Hình thành khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành Công nghiệp sạch và hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tiết kiệm tài nguyên và đảm bảo bền vững cho các hoạt động sản xuất.
Xác định chức năng sử dụng cho từng khu đất; nguyên tắc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan cho toàn khu vực lập quy hoạch; chỉ tiêu sử dụng đất, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đối với từng lô đất; bố trí hệ thống công trình hạ tầng xã hội phù hợp với nhu cầu sử dụng. Làm tiền đề để quản lý và kiểm soát môi trường trong khu vực khu công nghiệp.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Phụng Hiệp được duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong khu công nghiệp và lập quy hoạch chi tiết xây dựng.
Tính chất, chức năng của khu vực nghiên cứu quy hoạch là khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Thành phố phê duyệt. Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 8.000 người.
UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị có liên quan, tuân thủ các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch phát triển công nghiệp đã được phê duyệt; những quy định về bảo vệ hành lang an toàn các công trình hạ tầng kỹ thuật, khoảng cách an toàn về môi trường, các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan và phù hợp với thực trạng phát triển công nghiệp tại khu vực nghiên cứu.
Phân tích, đánh giá nhu cầu, mô hình phát triển dịch vụ cho khu vực. Khai thác triệt để điều kiện địa hình tự nhiên để tạo ra không gian hợp lý trong khu vực.
Trong quá trình lập đồ án quy hoạch, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để rà soát, đảm bảo tính khớp nối về đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài ranh giới khu công nghiệp; hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Thời gian lập quy hoạch phân khu không quá 9 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt.
Lê Đức