Quy định này áp dụng cho 3 nhóm đối tượng, bao gồm các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách thành phố hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao; và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, quy định không áp dụng đối với các trường hợp sửa chữa công trình thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, được thực hiện theo Nghị định số 01/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, các công trình thuộc lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành về quản lý kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để sửa chữa tài sản công cũng không thuộc phạm vi áp dụng của quy định này.
Ảnh minh họa.
Theo Quyết định số 34/2025/QĐ-UBND, trước ngày 30/6 hàng năm, các cơ quan, đơn vị quản lý hoặc được giao nhiệm vụ sửa chữa công trình phải lập danh mục dự án sửa chữa công trình tài sản công cho năm kế hoạch tiếp theo.
Danh mục này bao gồm thông tin về hiện trạng công trình, lý do và sự cần thiết thực hiện sửa chữa, tên dự án, địa điểm, mục tiêu, hiệu quả đầu tư, quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư dự kiến, thời gian triển khai, tiến độ thực hiện và nguồn vốn thực hiện.
Danh mục sau đó được gửi đến đơn vị dự toán cấp I để tổng hợp và chuyển đến cơ quan chuyên môn về tài chính cùng cấp lấy ý kiến. Cơ quan tài chính sẽ đánh giá tính phù hợp của nguồn vốn và tổng kinh phí đề xuất so với khả năng cân đối ngân sách. Trên cơ sở đó, thủ trưởng đơn vị dự toán cấp I phê duyệt danh mục, đảm bảo nội dung, mục tiêu và tổng mức đầu tư dự kiến phù hợp với khả năng cân đối ngân sách theo ý kiến của cơ quan tài chính.
UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm lập và phê duyệt danh mục sửa chữa công trình theo phân cấp quản lý. Đối với các công trình có chi phí sửa chữa dưới 500 triệu đồng, đơn vị thực hiện sửa chữa không cần lập danh mục nhưng phải tuân thủ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.
Tại thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, các đơn vị thực hiện sửa chữa phải lập dự toán kinh phí, bao gồm quyết định phê duyệt danh mục sửa chữa, thuyết minh nội dung, khối lượng công việc dự kiến, thời gian thực hiện và dự toán kinh phí cho năm kế hoạch.
Đối với các công trình có chi phí sửa chữa từ 500 triệu đồng trở lên, phải có quyết định phê duyệt danh mục và dự toán kinh phí chuẩn bị dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các công trình dưới 500 triệu đồng, chỉ cần có kế hoạch sửa chữa và dự toán chi phí được phê duyệt.
Nguồn kinh phí sửa chữa được bố trí từ nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định để chi thường xuyên, nguồn ngân sách chi thường xuyên của thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm quyết định việc bố trí kinh phí sửa chữa, tuân thủ các quy định pháp luật về chế độ tự chủ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Với quy trình cụ thể từ lập danh mục, thẩm định đến phê duyệt và bố trí kinh phí, các đơn vị liên quan có trách nhiệm cao hơn trong việc quản lý và bảo trì tài sản công trên địa bàn Hà Nội.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 17/5/2025.
Linh Nguyễn