Quyết định này quy định chi tiết việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách TP Hà Nội được quy định tại khoản 3 Điều 35 của Luật Thủ đô, gồm: Thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình, tài sản công hiện có (dự án); Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc thuộc trách nhiệm tổ chức lập của UBND TP, UBND cấp huyện thuộc TP Hà Nội (quy hoạch).
Thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 vượt 500.000 tỷ đồng. Ảnh: Phương Nga
Các trường hợp không áp dụng: Thứ nhất, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
Thứ hai, dự án thuộc lĩnh vực đã có quy định pháp luật chuyên ngành (nếu có) về quản lý kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình, tài sản công.
Thứ ba, nhiệm vụ quy hoạch có sử dụng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của TP Hà Nội sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách TP Hà Nội để thực hiện dự án; nhiệm vụ quy hoạch: Các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách TP Hà Nội hỗ trợ theo nhiệm vụ nhà nước giao; Các đơn vị sự nghiệp công lập.
Nguyên tắc chung: việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách TP Hà Nội để nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình, tài sản công hiện có; thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc thuộc trách nhiệm tổ chức lập của UBND TP, UBND cấp huyện thuộc TP Hà Nội được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách, không trùng lắp với nhiệm vụ chi đã được bố trí nguồn vốn đầu tư công.
Dự án, nhiệm vụ quy hoạch thuộc nhiệm vụ chi của cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo theo quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách thuộc TP Hà Nội.
Quá trình quản lý, thực hiện dự án, nhiệm vụ quy hoạch; quản lý, sử dụng chi phí dự án; nhiệm vụ quy hoạch được thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đấu thầu, pháp luật khác có liên quan và quy định về phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế xã hội của TP Hà Nội.
Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, trường hợp dự án bảo dưỡng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình sử dụng vốn chi thường xuyên của ngân sách TP đang trong quá trình thực hiện, chưa kết thúc trình tự đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng thì được áp dụng các quy định tại Quyết định này để thực hiện các bước tiếp theo.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan được áp dụng Quy định này để thực hiện quyết toán dự án bảo dưỡng, sửa chữa công trình sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách TP sau khi hoàn thành.
Các nhiệm vụ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng đang được bố trí một phần vốn chi thường xuyên thì tiếp tục bố trí vốn chi thường xuyên; đang được bố trí một phần vốn đầu tư công thì tiếp tục bố trí vốn đầu tư công.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 27/1/2025. Bãi bỏ các nội dung quy định về cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình tài sản công tại Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND ngày 14/10/2022 của UBND TP.
Hồng Thái