Đồ án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 và điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị A6 tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 cùng các tuyến đường khu vực.
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 thuộc địa giới hành chính phường Quảng An, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
Phía Đông Bắc giáp đường Âu Cơ và đường Xuân Diệu. Phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ. Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây. Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.
Hồ Đầm Trị nằm cạnh hồ Tây, gần Phủ Tây Hồ, là điểm đến của đông đảo người dân Thủ đô.
Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 44,1 ha với chức năng chính là công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, nhà hát Thành phố, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn, thương mại.
Ý tưởng chính của thiết kế tổng mặt bằng là tận dụng tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử, và điều kiện tự nhiên mặt nước, cây xanh của khu vực để hình thành không gian liên thông gắn kết các công trình.
Không gian kiến trúc cảnh quan lấy trục trung tâm bán đảo Quảng An kết hợp công viên chuyên đề văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí, văn hóa đa năng là trục quy hoạch chính; được tổ chức bởi phố đi bộ kéo dài từ Đông Bắc sang Tây Nam, khởi đầu từ khu vực cổng chào công viên tới quảng trường mở sát hồ Đầm Trị, kết thúc bởi công trình điểm nhấn Nhà hát và khán phòng đa năng.
Các không gian văn hóa và giải trí được tổ hợp dọc theo trục quy hoạch này, bao gồm cả tầng hầm và tầng nổi. Đây sẽ là không gian chính để tổ chức các chuỗi chương trình lễ hội văn hóa, giải trí theo mùa và theo các sự kiện.
Bên cạnh đó, khu vực cũng sẽ tạo dựng một không gian xanh, với đầy đủ chức năng đáp ứng một Công viên cây xanh chuyên đề - khu văn hóa đa năng, nghệ thuật chuyên đề, trong đó có xây dựng 1 nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội, không gian văn hóa tâm linh, kết hợp trục không gian công cộng quảng trường, khu vực thương mại dịch vụ, du lịch...
UBND TP giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức công bố công khai nội dung đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt để các tổ chức, cơ quan có liên quan và nhân dân được biết...
UBND quận Tây Hồ lấy ý kiến cộng đồng dân cư năm 2022.
Cách đây 2 năm, UBND quận Tây Hồ đã lấy ý kiến về quy hoạch này, đại diện lãnh đạo quận cho hay, với mục tiêu phát triển khu vực hồ Tây mang tầm quốc tế, khu vực Quảng An được quy hoạch để xây dựng mới trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, gắn với trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây – Hồ Tây – Cổ Loa. Do đó, khi đồ án được thông qua, triển khai và hoàn thiện, đây sẽ là một điểm đến trọng điểm của Thủ đô, có sức hấp dẫn lớn với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Đồ án cũng đã có những đề xuất hết sức rõ ràng về kết nối không gian đô thị, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe… khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố. Từ đó cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.
Với mục tiêu và những đề xuất nói trên từ đồ án, nếu quy hoạch này được hiện thực hóa, các tổ chức, người dân tại các khu dân cư, đô thị quanh Hồ Tây sẽ không chỉ được hưởng không gian sống trong lành, hạ tầng xã hội đồng bộ, mà còn có thêm lợi thế về giao thông cùng khuôn viên xanh - sinh thái. Những vấn đề xảy ra trước khi có quy hoạch như ô nhiễm môi trường, ngập úng liên quan tới thoát nước… cũng sẽ được giải quyết khi đồ án quy hoạch được hiện thực hóa. Việc phát triển các dịch vụ du lịch phụ trợ cũng sẽ tạo điều kiện để các hộ dân quanh khu vực có thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế.
Về sinh kế, quận đã nghiên cứu và sẽ có chính sách phù hợp để đảm bảo ổn định cuộc sống cũng như quyền lợi của người dân trong tương lai.
Liên quan tới Đồ án này, trả lời phỏng vấn báo Điện tử Tổ Quốc vào thời điểm tháng 8/2022, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP cho rằng, Hà Nội đã có nhiều sự đột phá nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta quan tâm, thấy được tiềm năng mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa, không gian văn hóa như hiện nay.
"Có thể nói đây là một vấn đề rất mới không chỉ Trung ương quan tâm đến mà chính người dân Tây Hồ cũng đã nhận thấy. Những bài học kinh nghiệm ví dụ như khai thác khu vực Nhà hát Lớn, khai thác khu vực Hoàng thành Thăng Long, thành công từ trung tâm hội nghị quốc tế hay các bảo tàng đã cho chúng ta thấy văn hóa có tiềm năng và sức mạnh rất lớn. Đặc biệt không chỉ những di sản vật thể mà kể cả phi vật thể cũng được quan tâm.
Chắn chắn sắp tới Hà Nội sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa khi chúng ta có định hướng đối với các hoạt động kinh tế đô thị, kinh tế đêm… Đây là vấn đề tôi cho rằng phải quan tâm hơn nữa. Rõ ràng càng ngày công nghiệp văn hóa, sáng tạo càng trở thành một động lực và là một điểm mạnh của Hà Nội cũng như của các đô thị lịch sử ở Việt Nam. Có lẽ chúng ta phải nắm bắt được, để từ đó có những giải pháp thích hợp."- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói./.
T.Linh, ảnh: Nam Nguyễn