Hà Nội quyết chi gần 12.000 tỷ đồng cho dự án cầu Ngọc Hồi

Hà Nội quyết chi gần 12.000 tỷ đồng cho dự án cầu Ngọc Hồi
4 giờ trướcBài gốc
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 22, HĐND TP. Hà Nội biểu quyết thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu. Đây là dự án giao thông trọng điểm thuộc nhóm A, được thực hiện từ năm 2025 - 2028, với tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 11.844 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố Hà Nội.
Dự án có quy mô khoảng 7,5km, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn Hà Nội (5,4 km) và phần còn lại trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (2,1 km). Cầu Ngọc Hồi sẽ vượt qua sông Hồng, nối huyện Thanh Trì và huyện Gia Lâm (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên). Cầu chính vượt sông dài khoảng 680m, được thiết kế kết hợp với đường song hành hai bên, mặt cắt ngang từ 60 - 80m.
Theo tờ trình của UBND TP. Hà Nội, đây là một trong những công trình trọng yếu thuộc tuyến đường Vành đai 3,5 - tuyến đường dài 45,64km nối Hà Nội với Hưng Yên, có vai trò phân bổ lưu lượng giao thông từ các trục hướng tâm của Thành phố, giúp giảm áp lực cho các tuyến đường hiện tại như đường Vành đai 3, quốc lộ 1A, đường Giải Phóng, đường 70...
Mô hình phương án đạt giải nhất cuộc thi kiến trúc cầu Ngọc Hồi do Thành phố Hà Nội công bố. Ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc
Hiện nay, tuyến Vành đai 3,5 đã được đầu tư khoảng 9,5km và đang triển khai thêm 5,5km; đồng thời UBND Thành phố cũng đang lập quy hoạch 5 dự án khác với tổng chiều dài 25,1km. Sự xuất hiện của cầu Ngọc Hồi được kỳ vọng sẽ hoàn thiện mắt xích quan trọng của vành đai này, tạo hành lang giao thông chiến lược giữa trung tâm Thành phố và các đô thị vệ tinh.
Cùng với đó, khi cầu Ngọc Hồi được đầu tư xây dựng sẽ giúp tăng sự liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi, liên kết các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới Ecopark, Khu đô thị Đại An, Khu đô thị Dream City… Từ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam của Thành phố, cũng như các tỉnh phía Nam và Đông - Nam của Vùng Thủ đô như Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh.
Theo đánh giá sơ bộ, dự án đòi hỏi khối lượng giải phóng mặt bằng tương đối lớn, nhất là trên địa bàn huyện Thanh Trì và Văn Giang (hai khu vực dân cư đông đúc và có giá đất tăng nhanh trong những năm gần đây). Do đó, công tác lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công sẽ là thách thức lớn với các cơ quan quản lý.
Dự án cầu Ngọc Hồi ngay sau khi được thông qua đã thu hút sự quan tâm lớn của người dân khu vực phía Đông và Nam Hà Nội. Nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng công trình sẽ thực sự được khởi công đúng tiến độ, tránh tình trạng “treo” lâu như một số dự án khác.
Chị Nguyễn Thị Mai, cư dân huyện Thanh Trì chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn cây cầu này được triển khai sớm vì hiện tại di chuyển qua sông Hồng không có nhiều lựa chọn, rất mất thời gian. Cầu Ngọc Hồi sẽ giúp kết nối với các khu vực như Ecopark nhanh hơn rất nhiều.”
Trong khi đó, giới đầu tư bất động sản cũng đang theo dõi sát tiến độ dự án, bởi việc hình thành cây cầu mới thường kéo theo sự gia tăng giá trị bất động sản và dịch chuyển dòng vốn đầu tư vào khu vực có lợi thế kết nối mới.
Linh Nguyễn
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ha-noi-quyet-chi-gan-12000-ty-dong-cho-du-an-cau-ngoc-hoi-d275230.html