Hà Nội sắp chuẩn hóa quy hoạch trạm sạc điện trong Vành đai 1

Hà Nội sắp chuẩn hóa quy hoạch trạm sạc điện trong Vành đai 1
10 giờ trướcBài gốc
Hà Nội sẽ đầu tư hệ thống trạm sạc điện theo hình thức đầu tư công kết hợp xã hội hóa trong khu vực Vành đai 1. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Tại buổi tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam khẳng định tại tất cả đô thị trên thế giới, không chỉ riêng Hà Nội hay TP.HCM, các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Trong khi đó, nghiên cứu khoa học cho thấy phát thải CO2 khi đi xe điện giảm tới 70% so với đi xe máy chạy xăng, những chất khác cũng giảm đáng kể.
"Không còn đường lùi"
Theo ông Tùng, người dân ủng hộ chuyển đổi sang phương tiện xanh vì tin rằng điều này sẽ mang lại lợi ích về mặt sức khỏe cho gia đình.
Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn các chính sách hỗ trợ, hạ tầng sạc, giao thông công cộng cần được triển khai sớm, công bố rõ ràng, minh bạch - giống như cách nhiều nước đã làm, thậm chí cập nhật trực tiếp trên website, ứng dụng để người dân dễ theo dõi.
Toàn cảnh dự án đường Vành đai 1. Ảnh: Google Maps.
TS Tùng kỳ vọng Hà Nội với tinh thần quyết liệt trong thời gian qua, sẽ sớm áp dụng các biện pháp cụ thể để người dân chuyển đổi thuận lợi hơn.
"Chúng ta gần như không còn đường lùi, càng đi chậm từng nào càng thiệt hại, tốn kém từng đấy và các giải pháp càng phức tạp", vị chuyên gia nói và bày tỏ sự ủng hộ với chỉ đạo từ Chính phủ cũng như hành động kịp thời của Hà Nội.
Vị chuyên gia cũng lấy ví dụ Trung Quốc đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn giao thông. Cụ thể, nước này đã chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện trong 1-2 năm, nhờ khoản đầu tư lớn và nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi.
Nhiều thành phố châu Âu đã thiết lập khoảng 300 vùng phát thải thấp, chỉ cho phép phương tiện xanh lưu thông và cấm hoàn toàn xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mô hình này được đánh giá mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cải thiện chất lượng không khí.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam tại tọa đàm. Ảnh: VGP.
Tại châu Á, Thái Lan và Indonesia cũng triển khai các chính sách tương tự. Indonesia từng thất bại khi chỉ áp dụng hỗ trợ chuyển đổi phương tiện. Sau đó, nước này điều chỉnh bằng cách kết hợp giữa hỗ trợ, cấm xe gây ô nhiễm và phát triển giao thông công cộng trở nên hiệu quả hơn.
Tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng
Trong khi đó, ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết việc triển khai đề án chuyển đổi xe xăng sang xe điện không thể ngay lập tức hạn chế một lượng lớn phương tiện cá nhân, mà phải cùng lúc tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng.
"Trong Vành đai 1 và 2, chúng tôi tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức. Chúng tôi sẽ chuyển đổi các hệ thống xe buýt sang năng lượng xanh, sạch, cơ bản cũng là xe điện", ông Tuấn nói.
Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe buýt điện.
Hiện, Vành đai 1 mới có khoảng 11/45 tuyến xe buýt điện. Theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ tăng cường mạng lưới xe buýt quy mô trung bình 8-12-16 chỗ. Loại hình này hiệu quả khi triển khai hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trong khu vực Vành đai 1, để tạo thành mạng lưới phủ rộng hơn.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ triển khai taxi điện kiểm soát bổ trợ, thiết lập các loại hình trung chuyển xe điện ở mức độ nhỏ hơn, quy mô 4 chỗ, tạo mạng lưới khép kín trong khu vực Vành đai 1, hướng đến mở rộng ra Vành đai 2 với lộ trình thực hiện đến năm 2028, tiến tới hoàn thiện toàn bộ mạng lưới vào năm 2030.
Hiện trạng giao thông trên tuyến phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt đoạn qua cầu vượt Bạch Mai - Phố Huế. Ảnh: Đinh Hà.
Đối với hệ thống xe buýt, ông Tuấn cho hay sẽ kết hợp với hệ thống đường sắt đô thị. Hiện nay có tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đi vào trung tâm Vành đai 1, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, ngay trong năm 2025 và đến năm 2030 TP Hà Nội sẽ phải hình thành hoàn chỉnh 3 tuyến metro số 2, số 3, số 5 và nhánh 2A.
Ngoài ra, xe buýt điện còn kết nối với các tuyến khác như Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, Nam Thăng Long - Nội Bài...
Theo Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn, bên cạnh việc ưu tiên khu vực nội đô, thành phố cũng hướng tới khuyến khích người dân tại các khu vực ngoài Vành đai 1, bao gồm cả khu vực tiếp giáp vùng Thủ đô, từng bước chuyển đổi theo các mốc thời gian đã đề ra cho các năm 2026, 2028 và 2030.
Để làm được điều này, Hà Nội sẽ ban hành các chính sách đồng bộ có sự tham gia của cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp, nhằm kêu gọi sự chung tay từ các nhà sản xuất, cung ứng phương tiện.
Các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện triển khai chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, cung cấp phương tiện xanh với mức giá ưu đãi, hỗ trợ một phần chi phí chuyển đổi, bảo đảm người dân dễ tiếp cận và lựa chọn.
Đồng thời, thành phố cũng nghiên cứu các chính sách tài chính như miễn hoặc giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký đối với phương tiện sử dụng năng lượng xanh, kể cả ôtô và xe máy. Ngược lại, các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ được kiểm soát chặt hơn theo hướng hạn chế lưu thông và khuyến khích thay thế, bảo đảm sự hài hòa và khả thi trong quá trình chuyển đổi.
Dự kiến, vào tháng 9 tới, UBND TP Hà Nội sẽ trình HĐND TP các nghị quyết chuyên đề nhằm cụ thể hóa các cơ chế hỗ trợ và công cụ quản lý nêu trên, theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 20 yêu cầu.
Song song với đó, thành phố cũng xác định rõ việc chuyển đổi sang xe điện phải đi đôi với việc phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đặc biệt là trạm sạc.
Trước mắt, tại khu vực Vành đai 1 - nơi đầu tiên áp dụng lộ trình loại bỏ xe máy xăng dầu từ ngày 1/7/2026, hệ thống trạm sạc sẽ được chuẩn hóa trong quy hoạch, triển khai mạnh mẽ theo hình thức đầu tư công kết hợp xã hội hóa. Việc này không chỉ bảo đảm nhu cầu sử dụng mà còn yêu cầu cao về an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ - đặc biệt liên quan đến pin xe điện.
"Quá trình kiểm soát ô nhiễm cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Đây không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là nền tảng để xây dựng một Hà Nội hiện đại, bền vững và đáng sống cho các thế hệ tương lai", Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Ông cho rằng ô nhiễm môi trường ở Thủ đô Hà Nội đang là vấn đề cấp bách, cần giải quyết để nâng cao chất lượng sống và sức khỏe của người dân. Do đó, lãnh đạo thành phố kêu gọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay hành động vì một Hà Nội đáng sống, trong đó chính quyền đóng vai trò định hướng, kiến tạo và hỗ trợ, còn người dân và doanh nghiệp là lực lượng thực thi hiệu quả nhất.
Thảo Liên
Nguồn Znews : https://znews.vn/ha-noi-sap-chuan-hoa-quy-hoach-tram-sac-dien-trong-vanh-dai-1-post1569021.html