Toàn cảnh tọa đàm
Những thông tin đáng chú ý trên trên được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đưa ra tại tọa đàm "Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô" do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/7.
Kiểm soát nghiêm ngặt vùng phát thải thấp theo lộ trình vành đai 1, 2, 3
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đều khẳng định, những chỉ đạo trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của Thủ tướng là hết sức cấp bách, tổng thể và toàn diện, với những nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất cụ thể để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Chỉ thị số 20 của Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ, giải pháp cho tất cả các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội. Bộ Nông nghiệp và Môi trường được giao 5 nhóm nhiệm vụ lớn. Cục Môi trường đang tham mưu cho lãnh đạo bộ để xây dựng triển khai ngay trong tuần tới.
Liên quan đến mô hình chính quyền 2 cấp, ông Hoàng Văn Thức cho hay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Chính phủ sửa đổi một số công việc phân cấp, phân quyền cho địa phương để triển khai việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, phải rà soát lại hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.
Ông Hoàng Văn Thức ví dụ như quy chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành mà bộ đã ban hành, tới đây sẽ ban hành tiếp quy chuẩn về khí thải về mô tô và xe gắn máy, trong đó có quy định lộ trình kiểm chuẩn các phương tiện từ mô tô, xe máy.
“Từ 1/7/2027 sẽ phải kiểm chuẩn xe mô tô, xe gắn máy. Để đạt được lộ trình đó, các địa phương như TP. Hà Nội phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất: điểm kiểm chuẩn khí thải phương tiện hay các cơ chế chính sách khác… Chúng ta chuyển đổi xanh phải có cơ chế hỗ trợ chính sách, ngân sách từ trung ương đến địa phương”, ông Hoàng Văn Thức nêu rõ.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà còn của doanh nghiệp và chính chúng ta. Hành động của mỗi con người đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, không khí.
“Trước đây, chúng ta hay nổ xe máy khi dừng ở ngã tư rất lâu nhưng bây giờ mọi người nếu dừng lâu thì tắt máy. Hoặc mấy năm nay, chúng tôi thấy câu chuyện chuyển đổi sang phương tiện xe điện rất nhiều, ô tô cũng có, xe máy cũng có, đặc biệt là xe buýt xanh, thể hiện nhận thức của người dân, mong muốn cùng đóng góp bảo vệ môi trường”, ông Hoàng Dương Tùng nhận định.
Đảm bảo hài hòa lợi ích
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, triển khai Luật Thủ đô, vào cuối năm 2024, Hà Nội đã ban hành nghị quyết quy định vùng phát thải thấp. Theo lộ trình, vào quý III/2025, Hà Nội sẽ chuẩn hóa hệ thống vùng phát thải thấp, theo đó, phải kiểm soát theo các vành đai 1, 2 và 3.
Ông Tuấn ví dụ vành đai 1 quy mô hiện khoảng 31 km², dân số khoảng 600.000 người. Chắc chắn đây là một vùng phát thải thấp phải kiểm soát nghiêm ngặt. Sau đó, thành phố sẽ mở rộng ra vành đai 2 và 3, đồng bộ với Chỉ thị 20.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các nguồn phát thải đều được kiểm soát chặt chẽ, kể cả sản xuất công nghiệp, ngay cả việc đốt rơm, rạ. Bên cạnh đó, vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường, ô nhiễm môi trường từ những chất thải rắn độc hại, ô nhiễm các dòng sông, ao hồ cũng đều phải xử lý.
“Phương tiện giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ 54 - 75%. Chúng tôi tính trung bình khoảng 60%. Phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát xe cũ, rồi điều kiện phát thải theo từng ngưỡng”, ông Dương Đức Tuấn cho hay.
Ông Dương Đức Tuấn khẳng định, tình trạng ô nhiễm môi trường với Thủ đô Hà Nội hiện nay trở nên hết sức cấp bách. Vì một môi trường sống xanh sạch, đồng thời để nâng cao chất lượng môi trường sống, đặc biệt là sức khỏe của người dân, chúng ta phải chung sức, đồng lòng, đồng tâm, hiệp lực để triển khai.
TS. Hoàng Dương Tùng cũng cho rằng, trên thế giới có rất nhiều bài học để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí. Ông ví dụ, Bắc Kinh (Trung Quốc), cách đây hơn 10 năm là thành phố rất ô nhiễm, nhưng đến giờ, chất lượng không khí đã được cải thiện rất nhiều. Họ có những bước chuyển đổi rất lớn, quyết tâm chuyển toàn bộ xe buýt sang xe điện, rất nhanh, rất quyết liệt.
"Họ đầu tư một khoản rất lớn, ví dụ như chuyển đổi các xe, người ta cũng làm từ vùng lõi trước rồi mở rộng ra, và có rất nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi. Hiện nay rất nhiều thành phố của Trung Quốc đã chuyển đổi sang xe điện, không chỉ Bắc Kinh”, ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Hoàng Dương Tùng, người dân bên cạnh sự ủng hộ, cũng rất mong các chính sách hỗ trợ, mạng lưới sạc, giao thông công cộng được triển khai, công bố nhanh, công bố sớm.
"Tôi cũng rất hy vọng Hà Nội với tinh thần quyết liệt như vừa qua sẽ triển khai sớm những biện pháp như thế để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nhanh chóng, thuận lợi, giảm những tác động đến cuộc sống. Những điều đó rất cần thiết và chúng ta cũng gần như không còn đường lùi nữa”, ông Hoàng Dương Tùng bày tỏ.
Hà Nội đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện giao thông, gồm khoảng 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy.
Hà Nội huy động doanh nghiệp chung tay hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện sạch
Đề cập đến phương tiện giao thông cá nhân sử dụng xăng dầu, ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề này phải bảo đảm hết sức hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước để vừa chuyển hóa phù hợp, vừa đảm báo tính khả thi trong triển khai.
Theo đó, chắc chắn phải nghiên cứu một cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho nhân dân, đặc biệt với phương tiện chạy bằng xăng, dầu trong khu vực vành đai Trung tâm Thủ đô.
"Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, có sự phối hợp của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Vì vậy cũng sẽ có những biện pháp để kêu gọi và tổ chức quản lý, triển khai cho tất cả doanh nghiệp cung ứng các phương tiện, đưa ra chế độ ưu đãi nhất để đổi các phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào cả giá thành, các vấn đề liên quan tới sử dụng phương tiện đó tốt nhất”, ông Dương Đức Tuấn cho hay.
Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, để triển khai Chỉ thị 20, thành phố sẽ nghiên cứu những chương trình, kế hoạch, biện pháp, giải pháp cụ thể.
Theo đó, thành phố sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ chuyển đổi phù hợp nhất cho Nhân dân, đặc biệt là nhóm sử dụng phương tiện chạy bằng xăng, dầu trong khu vực vành đai trung tâm của Thủ đô. Bên cạnh đó cũng khuyến khích người dân ở khu vực ngoài Vành đai 1 theo lộ trình năm 2026, 2028, 2030.
"Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp về quản lý, có sự phối hợp của Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp. Vì vậy, sẽ có những biện pháp kêu gọi tất cả doanh nghiệp cung ứng phương tiện xanh đưa ra chế độ ưu đãi nhất để chuyển đổi phương tiện, thậm chí hỗ trợ vào giá thành và các vấn đề liên quan để sử dụng phương tiện đó tốt nhất", ông Tuấn nói.
Đặc biệt, các chính sách này sẽ đi kèm với các ưu đãi về lệ phí trước bạ, thủ tục đăng ký và các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông tĩnh. Trong lộ trình này sẽ tăng cường cho khu vực hạn chế xe xăng dầu, ưu đãi cho các xe sử dụng năng lượng xanh, sạch. Ông Tuấn dẫn Luật Thủ đô cũng khuyến khích việc chuyển đổi này, thậm chí các phương tiện xanh, sạch đăng ký thì miễn phí gần như 100% lệ phí trước bạ, đăng ký.
Nhận định đây là nội dung quan trọng và đang trong quá trình nghiên cứu, ông Tuấn cho hay, dự kiến tháng 9/2025, UBND TP. Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố để thiết lập các nghị quyết chuyên đề xử lý các vấn đề này.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.
"Đây không phải là hạn chế ngay phương tiện cá nhân, mà là chuyển đổi. Mục tiêu là nhằm tăng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xác lập hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị. Tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, phù hợp nhất", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thái Hoàng