Cả Hà Nội hướng về ngày hội lớn
Trên các con phố Tràng Tiền, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, hàng cây đã được tỉa tán, vỉa hè được chỉnh trang, hệ thống đèn LED trang trí gắn hình cờ đỏ sao vàng, hoa sen, chim bồ câu... nối dài trên những trục đường chính, tỏa ánh sáng dịu dàng khi đêm về như lời mời gọi du khách bước vào một Thủ đô vừa cổ kính, vừa hiện đại, tràn đầy sức sống. Hai bờ sông Tô Lịch từng mang nhiều trăn trở nay được làm sạch, trồng mới cây xanh, trải thảm cỏ, lắp hệ thống chiếu sáng sinh thái, tạo diện mạo tươi mới, gần gũi, thân thiện.
Dọc các tuyến đường Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Giải Phóng, từng tốp công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cần mẫn quét dọn, sơn bó vỉa, xịt nước mặt đường giữa trưa hè nắng gắt. Ở các phường Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ..., lực lượng thanh niên tình nguyện phối hợp với dân quân tự vệ quét vôi gốc cây, nhắc nhở người dân treo cờ đúng quy định, không phơi đồ trước mặt tiền, giữ cho phố phường ngăn nắp, trật tự.
Không chỉ bên ngoài, mà trong từng căn hộ, sự chuẩn bị cho đại lễ cũng được thể hiện bằng những hành động giản dị mà chân thành. Ở khu dân cư Linh Đàm, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh, 74 tuổi, cẩn thận mang bộ quân phục đã là phẳng. “Năm nào đến dịp 2-9 tôi cũng mặc bộ quân phục này để tham dự buổi chào cờ với tổ dân phố. Năm nay tròn 80 năm Nhà nước Việt Nam mới ra đời thì càng có ý nghĩa hơn”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Minh xúc động bày tỏ.
Hệ thống băng cờ, khẩu hiệu trên đường Hoàng Diệu, phường Ba Đình, TP Hà Nội trước thềm đại lễ 2-9.
Khắp nơi trên địa bàn Thủ đô, các đoàn thể tổ chức thi cắm cờ, trang trí khu phố, vẽ tranh tường cổ động. Các nhà văn hóa xã, phường mở cửa suốt ngày, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử Cách mạng Tháng Tám, chiếu phim tài liệu, tập hợp thanh thiếu nhi luyện tập múa hát chuẩn bị cho đêm văn nghệ cộng đồng. Trên mạng xã hội, giới trẻ Hà Nội chia sẻ những bức ảnh phố phường lung linh ánh sáng, những góc phố quen thuộc được khoác màu áo lễ hội. Tại những địa bàn ngoại thành, không khí chuẩn bị cũng không kém phần sôi động. Các xã, phường tổ chức dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhà văn hóa treo khẩu hiệu “Mỗi người dân, một hành động đẹp chào mừng ngày lễ lớn”. Học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên đăng ký làm tình nguyện viên phục vụ sự kiện, từ dẫn đoàn khách, phát tờ rơi, giữ gìn an ninh trật tự cho đến hỗ trợ truyền thông.
Sự thay đổi về diện mạo Thủ đô không chỉ hiện hữu ở những công trình lớn mà còn hiện lên sinh động ở từng ngõ nhỏ, từng ô cửa sổ treo cờ Tổ quốc, từng nụ cười rạng rỡ của người dân khi quét dọn trước hiên nhà. Đó là những thay đổi lặng lẽ nhưng đầy xúc động. Bởi trong sâu thẳm mỗi người dân Hà Nội, đây không chỉ là một dịp lễ lớn mà còn là niềm tự hào được sống, được chứng kiến, được góp sức cho một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Dấu ấn của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Cùng với sự háo hức, chủ động trong công tác chuẩn bị của nhân dân, Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội cũng đã xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, phương án phục vụ hơn 40.000 người tham dự lễ kỷ niệm một cách cẩn trọng, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. TP Hà Nội đã thành lập Ban tổ chức lễ kỷ niệm của thành phố do đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm trưởng ban, với 6 tiểu ban chuyên trách gồm: Diễu binh-diễu hành; nội dung-tuyên truyền-y tế; an ninh-trật tự-giao thông; vệ sinh môi trường; vật chất-hậu cần và lễ tân. Phát biểu tại cuộc họp Ban tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: “Từ nay đến khi diễn ra sự kiện, các đơn vị phải hành động với tinh thần vì Hà Nội, vì danh dự và uy tín của Thủ đô, rõ người, rõ việc, xử lý kịp thời, bảo đảm sự kiện diễn ra thành công, an toàn, tiết kiệm và để lại dấu ấn đẹp trong lòng nhân dân”.
Đồng chí Vũ Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự tham gia của người dân. Việc lắp đặt màn hình lớn, bố trí hơn 1.000 nhà vệ sinh công cộng, huy động cả trường học, bệnh viện, nhà dân cho sử dụng miễn phí, đều nhằm bảo đảm điều kiện tiện nghi, văn minh, thể hiện sự hiếu khách và văn hóa ứng xử của người Hà Nội”.
Cùng với đó, triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội Thủ đô, chương trình đền ơn đáp nghĩa, trao quà tặng người có công, các hoạt động thi đua, cổ động trực quan cũng được triển khai đồng bộ. HĐND cũng đã thông qua cơ chế hỗ trợ đặc thù, chăm lo tốt nhất cho các đối tượng chính sách trong dịp đại lễ.
Không chỉ dừng lại ở tổ chức đại lễ, Hà Nội còn xem đây là dịp để đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm. Thành phố đã chuẩn bị khánh thành 2 công trình và khởi công 7 công trình mới, trong đó có các cầu lớn như: Ngọc Hồi, Vân Phúc, Thượng Cát và Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, từ nay đến ngày đại lễ, vào các tối cuối tuần, Hà Nội sẽ trình diễn nghệ thuật ánh sáng tại nhiều điểm công cộng, tạo không gian sống động, góp phần lan tỏa không khí phấn khởi và khẳng định hình ảnh Hà Nội-Thành phố vì hòa bình.
Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG