Đẩy nhanh xử lý nước thải, chỉnh trang sông Tô Lịch trước dịp 2/9
Hà Nội đang khẩn trương triển khai loạt giải pháp cải tạo môi trường, mục tiêu "hồi sinh" sông Tô Lịch - dòng sông nổi tiếng gắn liền với chiều dài lịch sử củaThủ đô.
Sông Tô Lịch đang được cải tạo, làm sạch.
Theo ông Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sông Tô Lịch không chỉ có ý nghĩa lịch sử, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho nhân dân và điều tiết thủy văn đô thị.
Nhằm cải thiện chất lượng môi trường, phục hồi cảnh quan đô thị, Hà Nội đã đặt ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trước ngày 2/9/2025.
"Các nội dung triển khai bao gồm: nạo vét bùn, xử lý nước thải, chỉnh trang cảnh quan, vệ sinh môi trường hai bên bờ sông, tiếp nước từ Hồ Tây thông qua cửa điều tiết A cống Đõ vào sông Tô Lịch", ông Thường cho biết.
Song song với các giải pháp trước mắt, Sở Xây dựng Hà Nội cùng Tập đoàn Sun Group và các đơn vị liên quan đang phối hợp xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư tổng thể cải tạo sông Tô Lịch.
Dự án sẽ chia thành hai hợp phần: Bổ cập nước cho sông Tô Lịch theo hình thức đầu tư công; Cải tạo, chỉnh trang sông Tô Lịch theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BT.
Báo cáo tiền khả thi dự kiến sẽ được TP Hà Nội xem xét tại kỳ họp tháng 7/2025.
"Chúng tôi đặc biệt yêu cầu phải kế thừa đầy đủ các nghiên cứu, phương án tiếp nước đã có trước đó và không tách rời chức năng thoát nước đô thị khi bổ cập nước cho sông", ông Thường nhấn mạnh.
Đáng chú ý, phạm vi chỉnh trang không chỉ dừng ở lòng sông mà còn phải đồng bộ với hai tuyến đường ven sông, các cây cầu bắc qua sông và hệ thống hạ tầng phụ trợ. Tốc độ, chất lượng nước bổ cập cần được tính toán kỹ theo lưu lượng m³/s, đặc biệt phải đánh giá tác động mùa mưa để tránh gây úng ngập.
Sau một thời gian cải tạo, nạo vét, cảnh quan ven sông Tô Lịch được cải thiện đáng kể.
Nạo vét bùn, xử lý triệt để nguồn ô nhiễm
Sông Tô Lịch hiện vẫn đang phải tiếp nhận trung bình khoảng 150.000m³ nước thải sinh hoạt và công nghiệp mỗi ngày, chủ yếu chưa qua xử lý.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội - đơn vị được giao nhiệm vụ nạo vét sông - kế hoạch đặt ra là xử lý khoảng 50.000m³ bùn dưới lòng sông.
Tính đến nay, khoảng 6.000m³ đã được nạo vét, công nhân được bố trí làm việc xuyên ngày đêm, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa 2025.
GS.TS Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam - đánh giá: "Hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị. Để đạt được điều này, cần xử lý tận gốc các nguồn ô nhiễm và khử mùi hôi triệt để trong và ngoài dòng chảy".
Ông Huỳnh kiến nghị ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Phân hủy chất hữu cơ đáy sông bằng công nghệ sinh học, oxy hóa khử;Tăng cường hệ thống thoát nước công cộng; Xây dựng các trạm xử lý nước thải đặt tại các điểm hợp lý; Tuần hoàn tự nhiên để duy trì chất lượng nước ổn định.
Đặc biệt, quá trình nạo vét phải thận trọng. "Không thể nạo vét triệt để. Cần giữ lại một phần bùn và trầm tích vì đó là môi trường sống của nhiều loài vi sinh vật có lợi, đồng thời giúp duy trì hệ sinh thái tự nhiên dưới đáy sông", ông Huỳnh lưu ý. Bên cạnh đó, việc tạo dòng chảy thông thoáng cũng rất cần thiết để các loài sinh vật, thực vật đáy có điều kiện sinh trưởng, phát triển.
Lê Tươi