Từ 10h sáng 22/7, tâm bão số 3 trên đất liền ven biển Hưng Yên, Ninh Bình với cường độ cấp 8-9, giật cấp 11; vùng mưa sẽ tập trung chính ở Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Hà Nội và các tỉnh ở phần hoàn lưu phía bắc của bão vẫn có mưa từng đợt nhưng mưa không lớn như khu vực phía nam hoàn lưu bão, lượng mưa phổ biến từ sáng nay đến sáng mai là 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Để ứng phó với bão số 3, đại diện Cảng Hà Nội cho biết, từ 2 ngày trước Cảng đã có thông báo gửi khách hàng thực hiện các biện pháp gia cố phòng chống bão; đồng thời, hướng dẫn các tàu thuyền từ nơi khác neo đậu an toàn tại cầu cảng.
Một kho hàng tại Cảng Hà Nội.
Công nhân tranh thủ bốc xếp hết chuyến hàng trước khi bão về.
Tại các khu tập thể cũ, người dân cũng chuẩn bị các phương án ứng phó với mưa bão, nhất là với các khu tập thể cũ, trong đó, có Nhà tập thể A7 Tân Mai (phường Tương Mai, Hà Nội).
Ông Nguyễn Văn Gắng, phụ trách Nhà Tập thể A7 Tân Mai cho biết, từ chiều 21/7, chính quyền địa phương đã khảo sát, lên phương án di dời trong trường hợp có tình huống bất thường. Hiện người dân đã sẵn sàng di dời đến nơi tạm trú an toàn khi có yêu cầu.
Ông Gắng cho biết, nhà tập thể A7 Tân Mai được xây dựng từ hơn 40 năm trước. Tuy nhiên, nhiều năm qua nhà A7 đã xuống cấp trầm trọng, đặc biệt xảy ra tình trạng lún, nghiêng nhưng chỉ được xếp hàng nguy hiểm cấp độ C. Trong bão Yagi năm 2024, gần 50 hộ dân của nhà A7 cũng đã phải di dời đến nơi tạm trú.
Người dân nhà A7 mong muốn thành phố sớm triển khai phương án cải tạo, xây dựng mới Khu tập thể Tân Mai, trong đó có nhà A7 để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Dù bão chưa đổ bộ vào Hà Nội, nhưng gió to đã làm nhiều cây xanh bị gãy. Bên cạnh đó, nhiều cột tiêu, biển báo cũng đã bị đổ.
Trước diễn biến của cơn bão số 3, nhiều hộ gia đình ở chung cư, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội đã chủ động để ứng phó với tình hình thời tiết cực đoan.
Từ đêm ngày 21/7 đến 25/7, trên các sông ở Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện 1 đợt lũ, biên độ lũ lên trên các sông từ 3-6m. Tại Hà Nội dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng của bão vào chiều tối ngày 21/7 và sáng ngày 22/7. Do đó nhiều chung cư tại Hà Nội đã chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với cơn bão này.
Một trường mầm non tại chung cư HH - Linh Đàm đóng cửa ngày hôm nay (22/7), dùng tủ gỗ, khóa thanh tre để giữ cửa kính.
Mọi lối ra vào tại các sảnh chung cư trong khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ đều được dùng bao tải để chặn cửa, ngăn nước.
“Khu vực này hút gió, gió rất mạnh trong những ngày bão nên chúng tôi đã chuẩn bị rất nhiều bao tải cát để chặn cửa kính. Bên cạnh đó liên tục thông báo cho cư dân hạn chế di chuyển khi gió lớn”, một bảo vệ chung cư HH Linh Đàm chia sẻ.
Một cửa hàng tại tầng 1 chung cư HH Linh Đàm dùng nhiều ổ khóa, vải quấn, thanh tre để giữ cửa trước khi cơn bão đến.
Các cửa hàng trong chung cư cũng được lập hàng rào bằng vải bạt để ngăn nước tràn vào.
Những bao tải cát nặng được chuẩn bị tại các cửa hàng trong KĐT Kim Văn - Kim Lũ.
Siêu thị đóng cửa chống bão.
Người dân dùng bao tải chặn cửa kính tại các ATM.
Ở một số khu đô thị khác trên địa bàn Hà Nội, các chủ đầu tư cũng chủ động bố trí chỗ đỗ xe an toàn cho các xe ô tô còn đỗ ngoài đường, bên dưới các vị trí tiềm ẩn nguy cơ như: Đỗ gần gốc cây, gần các công trình yếu, tại khu vực trũng thấp, gần đường thoát nước mưa, đường thoát lũ…
Ô tô được bố trí đỗ xe tại nơi quang đãng, không có cây cổ thụ tại chung cư khu vực Nam An Khánh.
Tại khu đô thị Vinhomes Smart City, ô tô được để kín khu vực đường nối ra đại lộ Thăng Long để hạn chế rủi ro trước ảnh hưởng của cơn bão Wipha.
Nhiều chủ xe còn đưa phương tiện để dọc theo đường gom đại lộ Thăng Long để đảm bảo an toàn.