Khắc phục bất cập
Theo phương án sắp xếp của 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội, dự kiến 526 ĐVHC cấp xã, phường sẽ được sắp xếp còn 126 ĐVHC. Quá trình sắp xếp xã phường mới, UBND TP Hà Nội định hướng xác định địa giới hành chính đi theo các trục đường giao thông chính, ranh giới tự nhiên như: sông ngòi, đường phân thủy, đường tụ thủy… để khắc phục những bất cập về địa giới hành chính đối với ĐVHC cơ sở đô thị. Đồng thời, giữ nguyên trạng địa giới hành chính đối với ĐVHC cơ sở nông thôn có truyền thống văn hóa làng xã, dòng họ, phong tục tập quán… đảm bảo thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền cơ sở.
Quang cảnh TP Hà Nội. Ảnh minh họa
Về định hướng cụ thể trong quy hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô đã xác định Hà Nội có những yếu tố đặc thù, đặc biệt. Do đó, cần phải tổ chức các ĐVHC cơ sở mới để quản lý toàn bộ các khu vực có yếu tố đặc thù, đặc biệt đó. Cụ thể như các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng quốc gia đặc biệt như: Hoàng thành Thăng Long, thành cổ Cổ Loa, Sơn Tây, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Chùa Hương… giữ nguyên không gian.
Đáng chú ý, trong quá trình sắp xếp các trung tâm logistics gắn với sân bay Nội Bài, đường sắt Ngọc Hồi, Yên Viên, cảng hàng không phía Nam; các khu công nghệ cao Hòa Lạc, công nghệ sinh học, khu công nghiệp; các trung tâm tài chính, ngân hàng ở khu vực Hoàn Kiếm, Đông Anh; các khu vực quy hoạch đô thị, trung tâm kết nối đường sắt TOD; khu vực hành lang sông Hồng, vùng bãi, trục phát triển mới…cũng được tính đến.
Theo UBND TP Hà Nội, quá trình sắp xếp sẽ bảo đảm tính liền mạch, không chia cắt trong quản lý, trong sự đồng bộ, liên thông của hệ thống kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả của các khu vực trọng điểm, vùng động lực phát triển. Đồng thời, các khu vực là trục, động lực phát triển; yếu tố đặc thù, đặc biệt cần được tổ chức nằm trọn trong phạm vi một ĐVHC cơ sở mới để đảm bảo quản lý hiệu quả, sát dân, gần dân, nhưng đồng thời giữ được không gian phát triển dài hạn, đóng vai trò là các cực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của các khu vực lân cận và Vùng đồng bằng sông Hồng.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, dưới góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, việc phân chia, sắp xếp lại địa giới hành chính sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng; tạo thuận lợi phát huy nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực và thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, việc quy hoạch và triển khai, tổ chức thực hiện quy hoạch sẽ đồng bộ và trọng tâm, trọng điểm hơn khi địa phương xác định rõ quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, cũng như hệ thống hạ tầng kết nối có định vị một cách rõ ràng, thống nhất. Đặc biệt, với địa phương ven đô như Thanh Oai đang tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và mang tính kết nối vùng về lâu dài.
Mặt khác, sắp xếp các ĐVHC tạo cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh Trung ương và TP Hà Nội đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm chính quyền địa phương.
Tái cấu trúc theo địa giới lòng sông
Trong quá trình sắp xếp ĐVHC mới, Hà Nội cũng chú trọng đến yếu tố tự nhiên, đặc biệt là lòng sông, để xác định ranh giới. Lòng sông là ranh giới tự nhiên, ổn định, dễ nhận biết và thuận lợi cho quản lý. Sông ngòi vừa phân chia địa giới hành chính, vừa tạo liên kết qua giao thông đường thủy và đặc trưng văn hóa, sinh thái vùng ven sông.
Ngày 18/4, tại buổi tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 10 (huyện Mê Linh, Sóc Sơn) trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, UBND TP đang cùng lãnh đạo các quận, huyện, thị xã để “chốt” phương án cụ thể sắp xếp ĐVHC cấp xã với tinh thần là “không để gián đoạn, trống ngày nào, chỗ nào”.
Đơn cử, trong phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 19/4, ĐVHC cơ sở Hồng Hà sẽ được hình thành từ việc sáp nhập toàn bộ hoặc một phần diện tích tự nhiên và dân số từ nhiều phường khu vực ngoài đê thuộc địa bàn 5 quận: Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Hai Bà Trưng.
Dự kiến phương án sắp xếp ĐVHC tại quận Tây Hồ.
Theo phương án này, ĐVHC cơ sở Hồng Hà sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các phường Chương Dương, Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Bạch Đằng, Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phú Thượng, Quảng An (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường Ngọc Thụy, Bồ Đề (quận Long Biên).
Tương tự, quận Cầu Giấy cũng thực hiện việc mở rộng phường Nghĩa Đô bằng cách sáp nhập toàn bộ diện tích 127ha và 18.000 cư dân từ các tổ dân phố số 1 đến 10, 15 đến 19 và 24, 25 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Trong trường hợp này, đường Phạm Văn Đồng đóng vai trò là trục đường phân chia ranh giới giữa phường thuộc quận Cầu Giấy và phường thuộc quận Bắc Từ Liêm.
Ngày 17/4, tại buổi tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 4 (huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai), trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thông tin, Hà Nội có 526 xã, phường, thị trấn và là địa phương có số ĐVHC cấp xã lớn thứ hai trong cả nước (sau tỉnh Thanh Hóa). Quan điểm của thành phố là Đề án bảo đảm bám sát chỉ đạo của Trung ương, nghĩa là sẽ giảm số ĐVHC cấp xã từ 60 - 70%; đồng thời có tính tới những đặc thù, riêng có của Hà Nội.
Đề cập những băn khoăn về công tác cán bộ trong quá trình sắp xếp, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, tới đây có thể 3 - 4 xã, phường, thị trấn sẽ thành một đơn vị; cán bộ quận, huyện, thị xã sẽ về cấp xã tham gia hệ thống chính trị... Thành phố sẽ thực hiện trên tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, rất khẩn trương, nhưng phải ổn định và trật tự; đồng thời không để gián đoạn, ảnh hưởng đến công việc.
Lại Tấn