Hà Nội sẽ xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu nhỏ từ 1/7

Hà Nội sẽ xóa bỏ nhà siêu mỏng, siêu nhỏ từ 1/7
3 giờ trướcBài gốc
Chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng sau mở đường
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ 7/10/2024.
Theo quy định, các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại đối với đất ở, thửa đất sau thu hồi có ít nhất một cạnh tiếp giáp tuyến đường giao thông và có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 15 m2, kích thước mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng dưới 3 m.
Thửa đất sau thu hồi không có lối đi và có diện tích đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa cũng sẽ không được tồn tại. Đối với đất khác, thửa đất sau khi thu hồi có diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ dưới 50 m2 không đủ điều kiện tồn tại.
Hà Nội chấm dứt tình trạng nhà siêu mòng, siểu nhỏ từ ngày 1/7. Ảnh KTĐT.
Quyết định cũng quy định cụ thể việc hợp thửa đối với các trường hợp không đủ điều kiện tồn tại.
Trường hợp 1, đối với người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thực hiện thỏa thuận về chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất để hợp thửa đất theo quy định
Người sử dụng đất được tạo điều kiện thuận lợi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Trường hợp 2, đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, UBND cấp huyện tiến hành kiểm tra, xét duyệt, thông báo, hướng dẫn người đang sử dụng đất thỏa thuận và thực hiện thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để hợp thửa đất.
Đồng thời, UBND cấp huyện tiến hành làm thủ tục công nhận quyền sử dụng đất theo quy định sau khi người sử dụng đất hoàn thành việc hợp thửa đất.
Thời gian thực hiện thỏa thuận hợp thửa đất quy định nêu trên là 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp và 90 ngày đối với đất nông nghiệp, kể từ ngày UBND cấp huyện ban hành Thông báo thu hồi đất.
Trường hợp không thực hiện được việc hợp thửa đất theo quy định nêu trên do xét thấy không đủ điều kiện để cho phép hợp thửa đất hoặc người sử dụng đất không có nhu cầu, không thực hiện được thỏa thuận hợp thửa đất, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, quản lý diện tích đất này theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Nhà nước áp dụng biện pháp thu hồi đất để xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng thì trình tự, thủ tục thu hồi đất và việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư được thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai.
Tại Hà Nội, sau khi triển khai thu hồi đất xây dựng đường, những căn nhà siêu mỏng, siêu méo được mọc lên, thậm chí, có những căn có diện tích nền chưa đến 15 m2.
Để xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo nhiều năm qua đã được Hà Nội ban hành, đưa ra hàng loạt văn bản, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu ở hệ thống chính quyền cơ sở.
Năm 2016, UBND TP ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND, trong đó nêu rõ chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà, đất “siêu mỏng, siêu méo” trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.
Năm 2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện này ở hai bên đường, nhất là với những tuyến phố mới, các dự án mở đường. Thế nhưng, tại nhiều dự án mở đường, tuyến phố mới vẫn xuất hiện những căn nhà, mảnh đất chỉ vài mét vuông, làm mất mỹ quan đô thị...
Lấn chiếm đất đai sẽ bị xử phạt tới 1 tỷ đồng
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định quy định rõ mức phạt đối với các hành vi lấn đất và chiếm đất.
Cụ thể, hành vi lấn đất hoặc chiếm đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước đã quản lý, được thể hiện trong hồ sơ địa chính thuộc địa giới hành chính của xã hoặc các văn bản giao đất để quản lý bị phạt từ 3-200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp (không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất) không thuộc trường hợp kể trên mà thuộc địa giới hành chính của xã thì cũng bị phạt từ 3-200 triệu đồng tùy thuộc vào diện tích đất vi phạm.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp mà thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng.
Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất phi nông nghiệp không thuộc trường hợp mà thuộc địa giới hành chính của xã thì bị phạt từ 5 - 200 triệu đồng.
Nghị định quy định rõ đối với hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định ở trên và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Mức phạt từ 10-500 triệu đồng đối với hành vi sử dụng đất mà Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người được giao đất, cho thuê đất chưa được bàn giao đất trên thực địa.
Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm.
Quy định trên có hiệu lực từ ngày 4/10/2024.
Đông Bắc
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/ha-noi-se-xoa-bo-nha-sieu-mong-sieu-nho-tu-17.html