Tình trạng chợ cóc, chợ tạm hoạt động tràn lan tiếp tục là vấn đề nóng được đại biểu HĐND TP Hà Nội đặt ra trong phiên chất vấn sáng 9-7, bởi điều này không những gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Chợ cóc, chợ tạm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm
Đại biểu Vũ Mạnh Hải cho biết theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn TP vẫn còn 85 chợ tạm, chợ cóc đang hoạt động.
“Thực trạng này không chỉ làm xấu bộ mặt đô thị mà còn đe dọa trực tiếp đến vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm” - ông nói.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải.
Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về việc liệu Sở đã rà soát toàn bộ hệ thống chợ hay chưa, có giải pháp nào cụ thể để xử lý triệt để các điểm kinh doanh tự phát, hướng phát triển chợ văn minh, hiện đại, an toàn thực phẩm thời gian tới sẽ được thực hiện ra sao.
Cùng quan tâm đến chất lượng hoạt động của chợ dân sinh, đại biểu Phạm Thị Thanh Hương dẫn chứng hiệu quả chưa như mong đợi trong triển khai Đề án quản lý cơ sở kinh doanh thực phẩm trong hệ thống chợ Hà Nội giai đoạn 2022–2025.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ khoảng 47,8% cơ sở kinh doanh trong chợ có hồ sơ truy xuất nguồn gốc, chỉ 14,8% cơ sở dán tem truy xuất, tỉ lệ cơ sở có thiết bị bảo quản thực phẩm mới đạt 33,8%.
“Nhiều chợ xuống cấp, không đáp ứng điều kiện tối thiểu về an toàn thực phẩm” - bà Hương phản ánh, yêu cầu ngành công thương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và hướng khắc phục trong thời gian tới.
Sẽ xóa chợ cóc, chợ tạm
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong thẳng thắn nhìn nhận tình trạng chợ cóc, chợ tạm vẫn là vấn đề tồn tại lớn. Theo ông, bên cạnh hệ thống chợ truyền thống, chợ đã được quy hoạch, vẫn còn nhiều điểm kinh doanh tự phát không có tổ chức quản lý, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và gây mất trật tự đô thị.
“Trách nhiệm quản lý và xử lý các điểm chợ cóc thuộc về chính quyền địa phương. Với kinh nghiệm từng là chủ tịch UBND quận, tôi thấy vai trò cấp cơ sở là quyết định trong việc dẹp bỏ các điểm kinh doanh tự phát" - ông Phong nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong trả lời tại phiên chất vấn.
Giám đốc Sở Công Thương cho biết nội dung phát triển hệ thống chợ được TP đưa vào Chương trình 03 của Thành ủy về phát triển đô thị – một trong 19 chỉ tiêu trọng tâm. Trong giai đoạn 2021–2025, TP đã khởi công và cơ bản hoàn thành 18 chợ, cải tạo 41 chợ. Dự kiến sáu tháng cuối năm sẽ khởi công thêm 15 chợ và cải tạo khoảng 20 chợ nữa.
Tuy vậy, để giải quyết căn cơ vấn đề chợ cóc, chợ tạm, Sở đề xuất bốn nhóm giải pháp chính. Cụ thể, rà soát, xử lý triệt để các điểm kinh doanh tự phát, tuyên truyền để thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Cùng đó, đầu tư xây hệ thống chợ mới theo quy hoạch; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng, phí chợ… để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, giúp giảm áp lực buôn bán ở chợ cóc.
Hàng hóa phải có nguồn gốc, xuất xứ
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Phong, sau hơn hai năm thực hiện Đề án tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ dân sinh, TP Hà Nội đã đạt một số kết quả tích cực.
Có thể kể đến như hoàn thành rà soát toàn bộ hoạt động của các cơ sở kinh doanh trong chợ; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và hộ kinh doanh. Một số tiểu thương đã thực hiện ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đáng chú ý, trạm xét nghiệm nhanh được một số địa phương thí điểm đưa vào vận hành, giúp cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận tỉ lệ kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong chợ vẫn còn rất thấp, dưới 5%. Để khắc phục tồn tại này, Sở Công Thương Hà Nội đã có các giải pháp cụ thể, trong đó có nội dung tăng cường truy xuất nguồn gốc của hàng hóa, tăng cường vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương...
“Khi hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng được kiểm soát, người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn" - Giám đốc Sở Công Thương nói và cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống chợ, đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn TP.
TRỌNG PHÚ