Hà Nội 'siết' vi phạm đất đai: Bổ sung chế tài đủ mạnh

Hà Nội 'siết' vi phạm đất đai: Bổ sung chế tài đủ mạnh
8 giờ trướcBài gốc
Nghị quyết được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 29-4-2025, có hiệu lực từ ngày 01-9-2025. Đây là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của chính quyền thành phố.
Hà Nội nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123/2024/NĐ-CP. Ảnh minh họa
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn bức thiết
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là trên đất nông nghiệp, đất công, diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Sự tác động và ảnh hưởng của thị thường bất động sản phát triển nóng tại nhiều địa phương là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm phát sinh, nhất là vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, như: Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, xây dựng công trình trái phép, thực hiện hành vi hủy hoại đất nông nghiệp, lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng… Điều này không chỉ gây mất trật tự trong quản lý đất đai, mà còn ảnh hưởng đến quy hoạch và phát triển đô thị của thành phố.
Cùng với đó, tình trạng các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích, không làm thủ tục đăng ký đất đai hoặc cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trên đất khi chưa đủ điều kiện theo quy định… còn xảy ra tại các địa phương, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội chủ động tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan để trình HĐND thông qua tại kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND cuối tháng 4 vừa qua. Ảnh: Bạch Thanh
Một nguyên nhân quan trọng nữa là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe; nhiều trường hợp cố tình xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất... Do đó, cần thiết phải có chế tài đủ mạnh. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thành phố đang đối mặt với áp lực lớn về phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp sử dụng nguồn đất hiệu quả, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sống người dân. Vì tính cấp thiết trong công tác quản lý đất đai, Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của thành phố Hà Nội lần này được hoàn thiện và trình ban hành sớm so với kế hoạch. Sở chủ động tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan để trình HĐND thông qua tại Kỳ họp thứ 22 - Kỳ họp chuyên đề của HĐND cuối tháng 4 vừa qua. Sở tham mưu xây dựng Nghị quyết nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền từ Điều 8 đến Điều 29 theo Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính phủ.
Hà Nội tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về đất đai lên gấp 2 lần. Ảnh minh họa
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh, tăng mức xử phạt là yêu cầu cấp thiết để lập lại trật tự trong quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực đô thị hóa, nơi đất đai có giá trị cao và dễ phát sinh tiêu cực...
Nghị quyết “đi sớm, đi trước, mở đường cho đột phá phát triển
Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội lần này được xem là công cụ pháp lý mạnh, phù hợp thực tiễn của Hà Nội - nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng đất lớn và giá trị đất đai cao nhất cả nước. Đây được xem là quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách, thể hiện sự quyết liệt và quyết tâm cao của thành phố Hà Nội trong việc siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, kiến tạo đô thị hiện đại, văn minh.
Lực lượng chức năng xã Song Phương, huyện Hoài Đức phá dỡ công trình vi phạm trên địa bàn. Ảnh: Trần Thụ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, với hệ thống quy định chặt chẽ, mức phạt nghiêm khắc, cơ chế thực thi rõ ràng và trách nhiệm cá nhân được xác lập, Nghị quyết về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của thành phố Hà Nội lần này thực sự là “cánh tay nối dài” của Luật Đất đai 2024...
Việc ban hành nghị quyết riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai không chỉ mang ý nghĩa về mặt chế tài, mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc để các sở, ngành, địa phương phát huy vai trò nòng cốt trong kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng đất. Đây là cơ sở quan trọng để Hà Nội nâng cao hiệu quả quản lý đất đai theo hướng bền vững, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong thực thi pháp luật ở cơ sở...
2 công trình vi phạm tại khu Bãi Ngoài, thôn Đông Lao do các chủ công trình không hợp tác, UBND xã Đông La (huyện Hoài Đức) tổ chức phá dỡ ngày 8-5. Ảnh: Ánh Dương
Sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn
Ngay sau khi Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thông qua, cùng với chỉ đạo sát sao từ UBND thành phố, nhiều địa phương chuyển từ trạng thái thụ động sang hành động quyết liệt. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng khẳng định, ngay sau khi HĐND thông qua Nghị quyết, Thanh Oai tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ trường hợp vi phạm trên địa bàn, nhất là vi phạm phát sinh. Huyện kiên quyết xử lý dứt điểm theo tinh thần Nghị quyết, không có vùng cấm. Việc có khung xử phạt cụ thể, nghiêm khắc giúp địa phương thuận lợi hơn trong xử lý, tạo hiệu ứng răn đe rõ rệt. Chỉ riêng trong tháng 4, đầu tháng 5, huyện hoàn thiện hồ sơ xử lý cưỡng chế 74 trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt hàng trăm triệu đồng. Đây là tín hiệu tích cực lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai ở cơ sở.
Xử lý công trinh vi phạm trên địa bàn xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Ảnh: Thanh Tuyền
Tại huyện Quốc Oai, chính quyền các xã đồng loạt tổ chức cưỡng chế, xử lý nhiều công trình vi phạm tại các xã: Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Đông Xuân. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết: "Ngay sau kỳ nghỉ lễ, huyện chỉ đạo các xã đồng loạt ra quân cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, trong đó nhiều trường hợp phức tạp kéo dài. Việc ban hành Nghị quyết riêng của thành phố với mức xử phạt mạnh mẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp địa phương thêm căn cứ và động lực để thực hiện nghiêm túc. Quan điểm của huyện là xử lý đến nơi đến chốn, không để phát sinh điểm nóng, không để dư luận bức xúc...”.
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm tuyên truyền, vận động người dân xã Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Tuyền
Tại huyện Mê Linh - nơi từng được coi là “điểm nóng” về vi phạm đất đai, các địa phương cũng đang “chạy đua với thời gian” để hoàn thành xử lý trường hợp tồn đọng. Huyện phân loại, giao chỉ tiêu cho từng xã, phường, đặt thời hạn cụ thể và coi như nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2025. Còn ở huyện Hoài Đức, xã Đông La cũng vừa xử lý dứt điểm 63 trường hợp vi phạm phát sinh trên đất nông nghiệp; đồng thời kiên quyết không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm...
Đối với Chương Mỹ, huyện kiên quyết chuyển một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan công an điều tra, xử lý theo pháp luật. Đây là bước chuyển thể hiện rõ tinh thần “không nhân nhượng” với hành vi cố tình vi phạm pháp luật đất đai. Huyện Phú Xuyên và các quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân cũng xử phạt rất quyết liệt đối với hành vi vi phạm về đất đai...
Hà Nội tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm tăng tính răn đe. Ảnh: Sơn Tùng
Tất cả những động thái trên cho thấy, Nghị quyết mới không chỉ là văn bản pháp lý trên giấy, mà thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiêm minh của pháp luật. Việc thực hiện Nghị quyết còn là tiêu chí trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu địa phương, thúc đẩy việc quản lý đất đai đi vào nề nếp.
Thực tế, thành công bước đầu trong triển khai Nghị quyết về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai không thể thiếu vai trò trung tâm, kết nối, thúc đẩy của các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố, trước hết là Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, Sở tổ chức triển khai ngay công tác thông tin tuyên truyền; tích cực phối hợp với các xã, phường, trường học, tổ chức đoàn thể để tuyên truyền bằng nhiều hình thức; lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết, công khai. Các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; các “điểm nóng” chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sẽ là trọng tâm trong đợt cao điểm triển khai.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức và các cơ quan chức năng của huyện kiểm tra công trình vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng tại xã Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Bảo Châu
Theo nhiều chuyên gia, nhà quản lý, việc cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 đối với lĩnh vực đất đai bằng Nghị quyết nâng gấp 2 lần mức xử phạt vi phạm hành chính so với Nghị định của trung ương, Hà Nội đã thể hiện tính chủ động, bản lĩnh của đô thị đặc biệt, nơi áp lực phát triển, đô thị hóa song hành thách thức bảo vệ tài nguyên đất đai. Với nền tảng đó, việc triển khai Nghị quyết không dừng ở chiến dịch ngắn hạn xử lý vi phạm, mà từng bước hình thành “hệ sinh thái quản lý đất đai” đồng bộ, gắn trách nhiệm cụ thể giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo vệ tài nguyên đất đai...
Bạch Thanh
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/ha-noi-siet-vi-pham-dat-dai-bo-sung-che-tai-du-manh-702088.html