Một số xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân SXH trong tuần gồm: Đại Mỗ, Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm); Thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên); Trung Hòa (quận Cầu Giấy); Quang Trung, Dương Nội (quận Hà Đông); Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân)…
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc SXH có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Đặc biệt, kết quả kiểm tra giám sát tại một số ổ dịch ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo tiếp tục ghi nhận thêm bệnh nhân, ổ dịch trong các tuần tới.
Ngoài ra, tuần qua, tại Hà Nội ghi nhận 28 trường hợp mắc Sởi, trong đó 26 trường hợp chưa tiêm vaccine phòng Sởi. CDC Hà Nội nhận định, bệnh Sởi đang có xu hướng gia tăng và trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc bệnh.
Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 29 trường hợp mắc Tay chân miệng, 01 trường hợp mắc Ho gà (tại quận Thanh Xuân)…
Ảnh minh họa
CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Trong tuần này, CDC Hà Nội xử lý ổ dịch sởi tại Hoàng Liệt (Hoàng Mai); Ngọc Hồi (Thanh Trì).
Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bẹnh sởi của trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung.
Cùng với đó, các đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát trẻ 7 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm đủ 5 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trước đó để chuẩn bị triển khai tổ chức tiêm chủng vaccine Td theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau nhức toàn thân. Từ ngày 4 trở đi, tuy không còn sốt cao nhưng đây lại là giai đoạn bệnh bắt đầu chuyển nặng như tụt huyết áp, chảy máu nhiều.
Lưu ý, khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh chỉ dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không dùng thuốc hạ sốt dồn dập liên tục. Liều dùng cho trẻ em là 10-15 mg/kg/lần, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Liều an toàn nên dưới 4g/ngày với người lớn và dưới 80mg/kg/ngày với trẻ em.
Trong bệnh sốt xuất huyết, tuyệt đối không dùng thuốc Ibuprofen và Aspirin để hạ sốt vì 2 loại thuốc này dễ gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng bệnh thêm nguy kịch.
Văn Trần