UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố cùng nhà thầu nhanh chóng chuẩn bị nhân lực, máy móc để sẵn sàng thi công trở lại tuyến đường Vành đai 2,5 - đoạn Đầm Hồng đến QL1A.
Đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - quốc lộ 1A nhà thầu sắp được khởi động lại sau nhiều năm chậm tiến độ. Ảnh minh họa.
Tiếp nhận chỉ đạo này, đại diện Công ty TNHH Xây dựng công trình Hoàng Hà (nhà thầu dự án) cho biết: "Ngày 9/5 vừa qua, Giám đốc Ban QLDA – đại diện ủy quyền của Chủ tịch UBND TP Hà Nội – đã ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đến hết quý I/2026. Sau khi hợp đồng được gia hạn, chúng tôi đang khẩn trương điều động công nhân, thiết bị để trở lại công trường".
Dự án xây dựng đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – QL1A được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, chiều dài tuyến khoảng 2,06km. Công trình được khởi công từ năm 2014 và từng dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Tuy nhiên, đến năm 2020, dự án phải tạm dừng khi mới đạt khoảng 40% khối lượng do chưa được gia hạn hợp đồng và báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh chưa được phê duyệt.
Trước tình trạng "treo" kéo dài, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với UBND quận Hoàng Mai và nhà đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là trong công tác GPMB và xử lý đơn thư. Sau nhiều nỗ lực, đến tháng 2/2024, công tác GPMB của toàn tuyến đã hoàn thành.
Theo báo cáo từ nhà đầu tư, tại thời điểm dừng thi công (năm 2020), gói thầu số 1 (từ Km 0+000 - Km 1+381,7) đã thi công được khoảng 1.270m. Gói thầu số 2 (xây dựng cầu L3 bắc qua sông Lừ, tại Km 1+394) đã hoàn thành toàn bộ trụ cầu, 20 cọc khoan nhồi và đúc xong toàn bộ dầm cầu. Tuy nhiên, các hạng mục như mố cầu và phần đường dẫn vẫn dở dang vì chưa có mặt bằng cũng như chưa được gia hạn hợp đồng.
Gói thầu số 3 (đoạn Km 1+405,85 - Km 1+600) hiện chưa thể triển khai cũng do lý do tương tự.
Với việc mặt bằng đã sẵn sàng và hợp đồng BT được gia hạn đến năm 2026, việc tái khởi động dự án đường Vành đai 2,5 được kỳ vọng sẽ giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng tại khu vực phía Nam Thủ đô, kết nối thông suốt với các tuyến giao thông trọng điểm như Vành đai 3, QL1A, đường Kim Giang và khu vực Tây Nam Hà Nội.
Lê Tươi