Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Thông báo số 2025-TB/TU của Thành ủy Hà Nội, kết luận hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý IV năm 2024.
Ảnh minh họa. Nguồn: IT
Trước đó, tại hội nghị giao ban trực tuyến, diễn ra ngày 20/12/2024, đã chỉ rõ các nội dung về tăng cường triển khai các biện pháp nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí gắn với thực hiện kế hoạch làm sạch rác thải trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng tới thành phố "sáng - xanh - sạch - đẹp" và nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí; phát triển giao thông bền vững, phát triển giao thông công cộng, xây dựng vùng phát thải thấp, giảm thiểu ô nhiễm giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm và ban hành quy trình vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý ô nhiễm môi trường không khí; kiểm kê phát thải nhằm xác định nguồn phát thải và đối tượng phát thải chính…
Song hành với việc đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về khí thải; bảo vệ môi trường không khí tại các công trường xây dựng, cơ sở công nghiệp, năng lượng, y tế sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, khu vực đông dân cư để hạn chế bụi phát tán…
Đặc biệt, sẽ khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông phát thải thấp, sử dụng năng lượng sạch, xanh thân thiện môi trường; đẩy mạnh phát triển hệ thống vận tải công cộng để giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông…
Thành phố cũng sẽ xây dựng các cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý chất thải rắn, ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân tích cực tham gia phản ánh, thông tin các hành vi vi phạm, phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Thường trực Thành ủy cũng giao Đảng đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào sáng - xanh - sạch - đẹp của Thành phố; vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác tại nguồn, tích cực trồng nhiều cây xanh, chung tay bảo vệ môi trường...
Các quận, huyện, thị ủy xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý môi trường. Phấn đấu 100% quận, huyện, thị xã, khu dân cư tổ chức phong trào tự quản về môi trường. 100% quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. 100% công trường xây dựng thực hiện các biện pháp giảm bụi; 100% hộ gia đình không sử dụng bếp than tổ ong hoặc các nhiên liệu than cấp thấp, không đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, giảm đốt vàng mã…
Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND Thành phố lãnh đạo UBND Thành phố chỉ đạo Công an Thành phố phối hợp các sở, ban, ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, tạo môi trường an ninh, an toàn và bình yên để người dân Thủ đô vui xuân, đón Tết.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra giao thông và các quận, huyện, thị xã tổ chức chốt chặn phòng chống đua xe và cổ vũ đua xe trái phép trong các ngày Tết. Chú trọng các biện pháp tuyên truyền về phòng, chống tội phạm để nâng cao nhận thức của người dân đối với phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các loại tội phạm. Vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc "đã uống rượu, bia - không lái xe", cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm liên quan nồng độ cồn...
Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tham mưu tổ chức triển khai việc bắn pháo hoa tại các địa điểm trên địa bàn Thành phố đảm bảo chất lượng và tuyệt đối an toàn, phục vụ nhân dân đón Tết.
Cùng với đó, cần tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác thu gom vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn Thành phố và vận hành các khu xử lý chất thải tập trung của Thành phố thông suốt, an toàn; Tiếp tục tăng cường công tác dự báo, quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu của người dân Thủ đô; chủ động kế hoạch bảo đảm phương tiện vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhân dân và kiều bào ở nước ngoài về quê đón Tết...
Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội liên tục ở mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, khiến nhiều người cảm thấy khó thở. Đặc biệt, sáng nay (3/1/2025), tình trạng ô nhiễm đã lên đến mức báo động.
Theo ghi nhận từ hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PAM Air và Đại sứ quán Mỹ, mức độ ô nhiễm tại Hà Nội đều đạt mức "màu tím" - mức ô nhiễm rất cao. Đáng chú ý, trên trang IQAir, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới, Hà Nội đã vươn lên vị trí thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức 305, được xếp vào mức "nguy hiểm".
Mức độ ô nhiễm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, tim mạch. Người dân, đặc biệt là trẻ em, người già và những người có bệnh nền, nên hạn chế ra ngoài, đeo khẩu trang đạt chuẩn khi di chuyển và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan y tế.
Minh Chí