Hà Nội tăng cường xử lý các vụ việc lãng phí

Hà Nội tăng cường xử lý các vụ việc lãng phí
12 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội vừa có quyết định chương trình phòng, chống lãng phí đến năm 2035 của Thành phố.
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề ra những mục tiêu chung bao gồm ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Thành phố. Khơi dậy sức dân, đưa Thành phố cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thịnh vượng; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.
Thành phố đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí; tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hiệu lực, hiệu quả; quản lý, sử dụng tài nguyên, nhân lực, vật lực, tài lực hiệu quả, tăng cường tính bền vững; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí lớn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ việc lãng phí;
Đồng thời, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân trong phòng, chống lãng phí; tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác phòng, chống lãng phí.
Một công trình tại khu đô thị Mễ Trì bỏ hoang nhiều năm.
Theo quyết định, chương trình được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất (2025 - 2030) trọng tâm là thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Rà soát, sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống lãng phí. Tăng cường năng lực và hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi lãng phí và hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể, sơ kết vào năm 2030.
Giai đoạn thứ hai (2031 - 2035) kế thừa, phát huy kết quả giai đoạn đầu. Xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu tổng thể. Tổng kết toàn chương trình vào năm 2036.
Nguyễn Hữu Thắng
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ha-noi-tang-cuong-xu-ly-cac-vu-viec-lang-phi-204250710082804187.htm