Hà Nội: Tạo lập môi trường hạnh phúc cho động vật hoang dã

Hà Nội: Tạo lập môi trường hạnh phúc cho động vật hoang dã
9 giờ trướcBài gốc
Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tại thôn Đồng Doi, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn thực hiện chức năng tổ chức cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, quan hệ trong nước và quốc tế trong việc nghiên cứu, bảo tồn...
Trong suốt những ngày nắng nóng và đợt mưa bão tháng 9 vừa qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn quan tâm đến việc tạo lập môi trường sống tự nhiên nhất cho động vật hoang dã. Các nguyên liệu như lá dừa, tre, nứa, thân cây... được tận dụng.
Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức tiếp nhận 107 vụ với 1.123 cá thể động vật hoang dã và 117,2kg rắn các loại...
Động vật hoang dã đưa đến cứu hộ tại Trung tâm, đa phần được các cơ quan chức năng bắt giữ, tịch thu trên đường vận chuyển đi tiêu thụ; thường có số lượng lớn bị thương, bị yếu do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày... tuy nhiên Trung tâm luôn tạo môi trường sạch sẽ, đảm bảo điều kiện về thức ăn, ngủ, vui chơi cho từng loài động vật.
Trong điều kiện số lượng động vật hoang dã thường xuyên quá tải, diện tích chuồng trại chật hẹp, một số chuồng nuôi không đủ điều kiện diện tích. Nhưng cán bộ nhân viên Trung tâm vẫn cố gắng đưa vào những vẫn liệu thân thiện với môi trường, tạo ra không gian tự nhiên nhất cho các loài.
Trong những ngày nắng nóng, các chuồng nuôi đều có bể nước, thảm thực vật, cây xanh...
Trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức điều trị 90 đợt cho 1.192 lượt các cá thể ĐVHD (hổ, gấu, chim các loại…) bị mắc các bệnh (viêm xương khớp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, co giật thần kinh…). Phối hợp với tổ chức FPV tiêm vắc xin và khám bệnh tổng quát các đợt cho 41 cá thể hổ... trong ảnh là khu vui chơi của các loài gấu.
Công tác bảo tồn đối với các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; có nguy cơ tuyệt chủng cao thuộc Phụ lục I, nhóm IB, nhóm IIB của Nghị định số 84/2021/NĐ-CP như: Rùa đầu to, Hạc cổ trắng, chim Hồng hoàng, hổ, gấu…được quan tâm.
Gần đây, Trung tâm đã phối hợp với Tổ chức động vật châu Á, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tái thả thành công 2 cá thể Chim Hồng hoàng, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tái thả loài Chim này về môi trường tự nhiên.
Mái tôn che nắng cũng được bổ sung lớp mái gianh để chống nóng cho từng loài.
Nhờ điều kiện chăn thả tốt, nhiều loài chim quý, gà rừng đã đẻ trứng cho ra đời thế hệ F1, F2..
Trong năm 2023 Trung tâm đã tổ chức tái thả 6 đợt với 495 cá thể và 75,8kg rắn các loại. Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Nguyễn Đức Minh (trong ảnh) cho biết, chăm sóc động vật hoang dã là công việc không hề đơn giản, vừa vất vả, vừa nguy hiểm, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên của trung tâm phải có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ tốt, yêu nghề.
Bác sĩ thú y Trịnh Thị Thu Hằng kiểm tra sức khỏe cá thể rùa đầu to tại trung tâm.
Lê Tâm
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/ha-noi-tao-lap-moi-truong-hanh-phuc-cho-dong-vat-hoang-da-post318152.html