Hà Nội tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng

Hà Nội tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng
3 giờ trướcBài gốc
Tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. (Nguồn: Báo Chính phủ)
Thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát; Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 3766/UBND - ĐT ngày 14/11/2024 yêu cầu các cơ quan, đơn vị và địa phương tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí; tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở…
Theo chỉ đạo của thành phố, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được giao quản lý, các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai rà soát, thống kê toàn bộ các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, thuộc phạm vi, địa bàn quản lý (bao gồm các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách) chậm triển khai, chậm đầu tư xây dựng, chưa hoàn chỉnh theo dự án, quy hoạch được duyệt; các khu công viên đã đầu tư xây dựng nhưng chưa khai thác, sử dụng các ô đất quy hoạch công viên chưa đầu tư xây dựng…
Trên cơ sở đó, các đơn vị báo cáo rõ nguyên nhân, khẩn trương xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, xử lý ngay, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại (xác định rõ trách nhiệm, nội dung công việc, tiến độ, thời gian hoàn thành, đơn vị thực hiện để làm cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đánh giá); báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trước ngày 25/11 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
Thành phố giao Sở Tài chính Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện; tổng hợp, phân loại, nguyên nhân không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, đề xuất phương án xử lý, giải quyết, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung) trước ngày 28/11/2024.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chủ trì, rà soát, tổng hợp, dự thảo văn bản của Ủy ban Nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng nội dung yêu cầu của Công điện số 112/CĐ-TTg; báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trước ngày 30/11/2024.
Đồng thời, Sở Nội vụ Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để kiểm tra, hướng dẫn các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện việc rà soát, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức để các dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài; trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả (kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan để các dự án, công trình chậm tiến độ, kéo dài, lãng phí nguồn lực...); báo cáo thành phố theo quy định.
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương tiếp tục giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Cùng đó, thành phố đã xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc các tổ chức, cá nhân vi phạm, chây ỳ, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền; tiếp tục quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến 15/6/2024, trong tổng số 712 dự án chậm triển khai đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345 ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý, giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa đất vào sử dụng.
Đối với 135 dự án chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất có 134 dự án (chiếm 99,3%) với tổng diện tích 1253,1 ha đất được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, tiếp tục giám sát theo quy định của pháp luật. Hiện, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp tục rà soát, xem xét phương án xử lý 1 dự án với diện tích 6,9 ha đất.
Đối với 404 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có 196 dự án (1951,7 ha đất) được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 208 dự án (1225,3 ha đất) đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19; có 73 dự án với 125,7 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp thêm cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn 24 tháng; 135 dự án (1.099,6 ha đất) đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.
Cũng theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong số 173 dự án do Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý, đến nay, có 80 dự án (chiếm 46,2%), với tổng diện tích 5884,7 ha đất được đưa ra khỏi danh sách hoặc đã chỉ đạo xử lý, tiếp tục giám sát; 93 dự án (chiếm 53,7%), với tổng diện tích 1111,8 ha đất đã có chỉ đạo thực hiện, tiếp tục giám sát, đôn đốc và tổ chức hậu kiểm sau thời gian gia hạn 24 tháng, thời gian kéo dài gia hạn 24 tháng do nguyên nhân bất khả kháng dịch bệnh COVID-19../.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-tap-trung-giai-quyet-dut-diem-cac-du-an-ton-dong-post993505.vnp