Hà Nội thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề vốn gần 370 tỷ đồng

Hà Nội thành lập 2 cụm công nghiệp làng nghề vốn gần 370 tỷ đồng
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
UBND Thành phố Hà Nội cho biết Cụm công nghiệp làng nghề Thạch Xá - giai đoạn 1, huyện Thạch Thất được thành lập theo Quyết định số 2204/QĐ-UBND, có diện tích 10ha.
Dự án được định hướng bố trí các ngành nghề thuộc làng nghề truyền thống của địa phương như: chế biến lâm sản, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ cao cấp và một số ngành nghề khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp sạch, sử dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mới, hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, di dời các cơ sở sản xuất, làng nghề tại khu dân cư ra khu vực sản xuất tập trung nhưng phải đảm bảo các tiêu chí trên.
Thành phố đã giao Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất nhựa làm chủ đầu tư. Dự kiến, tổng vốn gần 250 tỷ đồng, thực hiện 24 tháng, kể từ ngày UBND Thành phố Quyết định thành lập cụm công nghiệp và hoạt động 50 năm.
Còn đối với Cụm công nghiệp làng nghề Sơn Hà - giai đoạn 1, huyện Phú Xuyên thành lập theo Quyết định số 2158/QĐ-UBND, có quy mô là 5ha. Ngành nghề hoạt động chính gồm may ví, túi xách, võng, tơ lưới, khảm trai, mộc, sơn mài, cơ khí… Hiện, Thành phố giao Công ty cổ phần xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp Hưng Thịnh làm chủ đầu tư với tổng mức vốn hơn 115 tỷ đồng, thực hiện 24 tháng kể từ ngày UBND Thành phố Quyết định thành lập cụm công nghiệp và hoạt động 50 năm.
Theo Thành phố Hà Nội, các làng nghề đang đóng vai trò quan trọng, trực tiếp giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Trong giai đoạn 2025-2030, Thành phố đặt mục tiêu sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phấn đấu công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển 10 làng từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Dự kiến đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn phục dựng không gian văn hóa làng nghề nhằm phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm nhằm thu hút khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại Thủ đô Hà Nội.
Phấn đấu có trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận hoạt động hiệu quả; tối thiểu 80% người lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống được đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản.
Dự kiến có trên 50% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đồng thời, hỗ trợ số hóa cho những sản phẩm làng nghề này; tiếp tục duy trì 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận đáp ứng được các điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xây dựng một số chuỗi giá trị liên kết đối với những nghề có nhiều làng nghề tham gia và sử dụng nhiều lao động như: mộc dân dụng, mây tre, giang đan, chế biến nông sản thực phẩm...
Hoàng Bách
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ha-noi-thanh-lap-2-cum-cong-nghiep-lang-nghe-von-gan-370-ty-dong.htm