Hà Nội thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính

Hà Nội thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính
6 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại kỳ họp. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Ngày 25/2, tại Kỳ họp thứ 21 (chuyên đề) Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại 8 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố.
Theo nghị quyết được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Tài chính.
Sau hợp nhất Sở Tài chính mới có 17 đầu mối trực thuộc (15 phòng và 2 đơn vị sự nghiệp), giảm 6 đơn vị, tỷ lệ 26%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 449 người.
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường. Sau hợp nhất, Sở Nông nghiệp và Môi trường mới có 25 đầu mối trực thuộc (13 phòng, 4 chi cục và 8 đơn vị sự nghiệp), giảm 12 đơn vị, tỷ lệ 32%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 2.571 người.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học và Công nghệ. Sau hợp nhất, Sở Khoa học và Công nghệ có 12 đầu mối trực thuộc (8 phòng và 4 đơn vị sự nghiệp), giảm 9 đầu mối trực thuộc, tỷ lệ 42,86%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 358 người.
Hợp nhất Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ. Sau hợp nhất, Sở Nội vụ mới có 22 đầu mối trực thuộc (11 phòng, 1 ban và 10 đơn vị sự nghiệp), giảm 7 đơn vị, tỷ lệ 24% (không tính các đầu mối chuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an thành phố). Số biên chế và hợp đồng lao động là 1.521 người.
Quang cảnh kỳ họp. (Ảnh: Nguyễn Thắng/TTXVN)
Sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố; tiếp nhận nhiệm vụ xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và nhiệm vụ của Trung tâm Báo chí Thủ đô thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Sau sắp xếp, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố có 13 đầu mối trực thuộc (10 phòng, 1 chi cục và 2 đơn vị sự nghiệp), giảm 4 đơn vị, tỷ lệ 23,5%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 362 người.
Hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải để thành lập Sở Xây dựng. Sau hợp nhất, Sở Xây dựng mới có 23 đầu mối trực thuộc, giảm 7 đầu mối (tỷ lệ 23,3%). Số biên chế và hợp đồng lao động là 1.346 người.
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc thành phố tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ. Sau sắp xếp, Sở Dân tộc và Tôn giáo có 4 phòng chuyên môn, giảm 3 đơn vị, tỷ lệ 43%. Số biên chế và hợp đồng lao động là 59 người.
Hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố. Sau sắp xếp hợp nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội có 11 đầu mối trực thuộc (7 phòng, 3 đơn vị sự nghiệp, 1 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên). Số biên chế và hợp đồng lao động là 229 người.
Tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố trước khi sắp xếp là 23 cơ quan (trong đó 21 cơ quan chuyên môn, 2 tổ chức hành chính). Sau khi được sắp xếp, tổng số lượng cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân thành phố có 15 sở (giảm 6 sở so với hiện nay, tỷ lệ giảm 29%) và 1 tổ chức hành chính khác (giảm 1 tổ chức hành chính, tỷ lệ giảm 50%).
Nghị quyết có hiệu lực từ 1/3 để thống nhất với thời điểm có hiệu lực của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chế độ tiền thưởng đối với các cơ sở giáo dục công lập
Sáng cùng ngày, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện thí điểm đặt hàng cung cấp dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội.
Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ tiền thưởng theo quy định tại Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ đối với các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên đang thực hiện thí điểm đặt hàng cung cấp dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước năm học 2024-2025 của thành phố Hà Nội.
Đối tượng áp dụng là: các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia thực hiện thí điểm đặt hàng cung ứng dịch vụ giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao của thành phố Hà Nội); các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Kinh phí hỗ trợ thực hiện chế độ tiền thưởng quy định tại nghị quyết này nằm ngoài quỹ khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng của đơn vị.
Mức kinh phí hỗ trợ: Đối với 6 tháng năm 2024 (từ ngày 1/7-31/12/2024) bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp và các khoản đóng góp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc của các đối tượng trong danh sách trả lương của đơn vị (không bao gồm lao động hợp đồng) tại thời điểm ngày 1/7/2024.
Đối với 8 tháng năm 2025 (từ ngày 1/1-31/8/2025) bằng 10% tổng quỹ tiền lương (không bao gồm phụ cấp và các khoản đóng góp) theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc của các đối tượng trong danh sách trả lương của đơn vị (không bao gồm lao động hợp đồng) tại thời điểm ngày 1/1/2025.
Việc kế toán, quyết toán kinh phí thực hiện tiền thưởng cho các đối tượng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước.
Thời gian thực hiện từ năm học 2024-2025 (được tính từ tháng 7/2024 đến hết tháng 8/2025)./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-thanh-lap-to-chuc-lai-8-co-quan-chuyen-mon-to-chuc-hanh-chinh-post1014165.vnp