Với 49 điểm mới, nâng tổng số trạm khai thác lên 140, Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam sẽ bố trí khoảng 500 xe đạp để gia tăng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ.
Các trạm mới được bố trí dọc theo tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông như: ga Thái Hà, Cát Linh, Thượng Đình, Văn Quán, Hà Đông, La Thành, Phùng Khoang...
Tại quận Hoàn Kiếm, nhiều vị trí được bổ sung trạm như: Đường Lê Thánh Tông (đoạn sau lưng trạm xe buýt, bên trái cổng vào Trường Đại học Dược); Lý Thường Kiệt (trước tòa nhà bên trái lối vào Cục Thông tin và Khoa học Công nghệ quốc gia); Hàng Trống (bên phải lối vào cổng Báo Nhân Dân); vườn hoa Thợ Nhuộm (đối diện Ngân hàng BIDV Quán Sứ)...
Tại quận Ba Đình, có các trạm tại khu vực Giảng Võ (bên phải lối vào Bộ Y tế sau lưng trạm xe buýt); Bệnh viện Xanh Pôn (gần nút giao Trần Phú – Hùng Vương)...
Tại quận Hà Đông, các điểm mới gồm: khu vực tổ dân phố Cầu Đơ 3 (phường Hà Cầu) và trụ sở UBND phường Mộ Lao (số 171 Nguyễn Văn Lộc)...
Theo đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam - đơn vị vận hành hệ thống xe đạp công cộng cho biết, kể từ khi thí điểm (ngày 24/8/2023), công ty đã bố trí hơn 800 xe đạp cơ tại 90 trạm thuộc 6 quận.
Dịch vụ đã thu hút hơn 833.000 lượt người đăng ký, trung bình gần 700 người đăng ký mới mỗi ngày. Tổng số khoảng 533.000 chuyến, trung bình khoảng 900 chuyến/ngày. Trong đó có gần 1.000 người sử dụng vé tháng để đi lại hàng ngày.
Với 49 điểm mới, nâng tổng số trạm khai thác lên 140, Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam sẽ bố trí khoảng 500 xe đạp để gia tăng lượng khách hàng sử dụng dịch vụ.
Để sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng, hành khách cần tải ứng dụng TNGo trên điện thoại thông minh và đăng ký mở tài khoản, kết nối ví điện tử và tiến hành nạp tiền thanh toán cho các lượt đi. Sau khi thanh toán xong, hành khách sẽ được sử dụng xe đạp trong 60 phút nếu mua vé 10.000 đồng/lượt, quá 60 phút, khách hàng chỉ phải trả thêm 3.000 đồng cho 15 phút tiếp theo.
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng tại Hà Nội đã bổ sung thêm một sự lựa chọn thiết thực cho người dân Thủ đô, không chỉ là sự trải nghiệm mà còn mang tính kết nối với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác. Ngoài ra, đối với khách du lịch, dịch vụ xe đạp công cộng còn tạo thêm điểm nhấn du lịch sạch “không khói bụi” và giúp khách du lịch khám phá Hà Nội theo một phong cách khác.
Mây Hạ