Cho đến thời điểm này, Hà Nội chính là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được các tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp; lộ trình thực hiện và các biện pháp dự kiến áp dụng. Nếu mô hình này được thực hiện thành công ở Hà Nội, thì hoàn toàn có thể nhân rộng ra các đô thị cũng có mật độ dân cư đông và số lượng phương tiện cá nhân cao, từ đó tạo bước chuyển lớn trong việc giảm thiểu nguồn ô nhiễm đến từ phương tiện giao thông cơ giới.
Có hai nội dung rất quan trọng trong bản nghị quyết được đánh giá là hàm chứa yếu tố chuyên môn, chuyên ngành phức tạp, tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, tổ chức và người dân.
Một là, TP. Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực.
Cùng với đó, sẽ đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp…
Hai là, thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp; từ năm 2031 trở đi: các khu vực trên địa bàn Thành phố có một trong các tiêu chí quy định tại Điều 4, nghị quyết này phải thực hiện vùng phát thải thấp. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Có nhiều lý do khiến Hà Nội buộc phải triển khai sớm quy định về thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn.
Cụ thể, đến tháng 11/2024, Hà Nội đã có hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu xe máy. Trong đó, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội nặng tới mức, tại nhiều thời điểm trong năm, người dân có thể cảm nhận bằng mắt thường, thậm chí có lúc Hà Nội lọt vào danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới. Tất nhiên, khí thải từ động cơ xe cơ giới chỉ là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí, nhưng lại là nguồn lớn nhất và dễ kiểm soát nhất.
Bên cạnh đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định, xe mô tô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải. Mặc dù cần phải đợi thêm hướng dẫn cụ thể, nhưng đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho TP. Hà Nội và các địa phương khác triển khai các quy định kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn khí thải từ phương tiện xe cơ giới, trong đó có mô tô, xe máy.
Cần phải nói thêm rằng, có rất nhiều thách thức để Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải tại TP. Hà Nội đi vào cuộc sống, bởi đây là những vấn đề chưa có tiền lệ, chưa có quy chuẩn kiểm định xe máy, chưa có chính sách cụ thể về thu phí vào vùng phát thải thấp...
Mặc dù trước mắt chỉ thí điểm tại 2 quận Ba Đình và Hoàn Kiếm, nhưng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải sẽ phải thực hiện trên phạm vi toàn Thành phố, chứ không chỉ dành những đối tượng, tổ chức doanh nghiệp sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp như Nghị quyết xác định. Do nhu cầu đi lại của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nên hoàn toàn không thể hạn chế xe ở phát thải thấp chỉ được lưu hành trong nội bộ vùng hoặc ngược lại.
Yêu cầu đặt ra cho Hà Nội là cần xây dựng chính sách đồng bộ, phù hợp với đặc thù, điều kiện, năng lực của địa phương để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách thành phố và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch. Nếu không, việc hình thành các vùng phát thải thấp sẽ rất khó phát huy hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thậm chí còn gây phiền toái cho hoạt động đi lại của người dân.
Đây là những vấn đề mà chính quyền TP. Hà Nội cần nhận diện trong quá trình cụ thể hóa nghị quyết nói trên, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ sức khỏe người dân, giúp Thủ đô xanh hơn, đáng sống hơn.
Bảo Như