Ảnh minh họa: TTXVN
TTXVN đưa tin, tổng chiều dài dự án khoảng 7,5km, trong đó, đoạn qua địa bàn Hà Nội khoảng 5,4km và tỉnh Hưng Yên khoảng 2,1km.
Theo tờ trình của UBND thành phố Hà Nội, cầu chính vượt sông Hồng dài khoảng 680m, rộng 32,3m đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Cầu dẫn dài khoảng 6,52km, rộng 33m. Đường dẫn đầu cầu phía Hưng yên dài khoảng 300m, rộng 33m.
Điểm đầu cầu kết nối với điểm cuối tuyến đường Vành đai 3,5, đoạn Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cách cao tốc khoảng 360m về phía đê Hữu Hồng, trên địa bàn Thanh Trì, Hà Nội. Điểm cuối cầu kết nối với đường Vành đai 3,5, cách đê Tả Hồng khoảng 700m về phía cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên bàn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Dự án có 5 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận các huyện Thanh Trì, Gia Lâm (Hà Nội), huyện Văn Giang (Hưng Yên). Hai dự án khác gồm xây dựng hệ thống đường song hành trên cả địa phận thành phố Hà Nội và huyện Văn Giang (Hưng Yên) cùng dự án xây dựng Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thực hiện.
Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội nhận định, đường Vành đai 3,5 cùng cầu Ngọc Hồi hoàn thành sẽ giúp kết nối trực tiếp với Hưng Yên và đồng bộ với hệ thống đường hướng tâm, giúp phân luồng giao thông, giảm tình trạng các phương tiện từ phía Bắc, Tây Bắc đi Đông Nam phải đi qua trung tâm thành phố, từ đó giảm nguy cơ ùn tắc trên các tuyến đường hiện hữu như Vành đai 3, đường Giải phóng (quốc lộ 1A) và đường 70.
Trong phiên làm việc HĐND thành phố Hà Nội cũng đã biểu quyết thông qua phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường kết nối cầu Tứ Liên từ nút giao đường dẫn cầu Tứ Liên với đường Trường Sa đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ trên 5.000 tỉ đồng từ ngân sách. Thời gian thực hiện dự án 2025-2027.
Trúc Đào