Xây dựng hệ thống giao thông thông minh toàn TP
Chiều 19/11, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thông qua Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội”. Trình bày Tờ trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, theo quy hoạch định hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đến năm 2030, Hà Nội có quy mô dân số 12 triệu người, diện tích đất xây dựng đô thị 90.000ha; đến năm 2045 dân số 14,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị 120.000ha.
Tuy nhiên, công tác đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống giao thông vận tải hiện chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… là những thách thức lớn với các cơ quan quản lý giao thông.
Giải pháp hiệu quả cho những bài toán đó, theo ông Thường là ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý, điều hành giao thông. Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai trên thế giới cho thấy việc hình thành phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) giữ vai trò quan trọng, có tính nền tảng và là một trong các trụ cột chính của TP thông minh (không thể có được TP thông minh nếu không phát triển được hệ thống giao thông thông minh).
Vì vậy, việc triển khai đề án sẽ giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay; hình thành hệ thống giao thông thông minh của TP theo các giai đoạn, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành TP thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới; là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường trình bày tờ trình.
Mục tiêu định hướng phương án hình thành hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội theo từng giai đoạn cụ thể, trong đó có việc hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông chung của TP vào năm 2025; xác định được khung kiến trúc chung cho hệ thống giao thông thông minh và các chức năng chính cơ bản của hệ thống giao thông thông minh; định hướng các cơ chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, khai thác, vận hành hệ thống; phân công trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
Huy động được đa dạng nguồn lực trong đầu tư hạ tầng giao thông thông minh; gắn kết hệ thống hạ tầng hiện hữu và hạ tầng đầu tư trong tương lai; đi trước đón đầu, ứng dụng các công nghệ khoa học mới, hiện đại; thuận tiện trong quản lý, khai thác, vận hành.
Nghị quyết cũng thông qua khung kiến trúc chung của hệ thống giao thông thông minh với một số nội dung như: Thu thập thông tin các nguồn dữ liệu về hệ thống giao thông thành phố; chia sẻ thông tin cho các cơ quan, tổ chức; xử lý, phân tích dữ liệu; bảo mật thông tin; giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông...
Về định hướng phát triển theo các giai đoạn, UBND TP đề xuất lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn, cụ thể như sau: Giai đoạn 1 từ năm 2025-2027, giai đoạn 2 từ năm 2028-2030, giai đoạn 3 sau năm 2030. Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của các phương án, đề xuất giai đoạn 1 thực hiện theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin, các giai đoạn tiếp theo khi hệ thống đã quen thuộc, công nghệ đã ổn định đề xuất phương án kết hợp đầu tư hạ tầng phần cứng kết hợp thuê hệ thống phần mềm và dịch vụ bảo hành, bảo trì hệ thống.
Các trường hợp công trình vi phạm sẽ bị cắt điện, nước
Cũng tại Kỳ chuyên đề ngày 19/11, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP. Theo đó, các trường hợp vi phạm phải áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm:
Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành, thuộc một trong các trường hợp sau:
Thay đổi một trong các nội dung chính được ghi trong giấy phép xây dựng; vi phạm chỉ giới xây dựng hoặc chỉ giới đường đỏ; thay đổi hình thức kiến trúc mặt ngoài của công trình đối với công trình trong đô thị thuộc khu vực có yêu cầu về quản lý kiến trúc; khi điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng làm ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường; khi điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu sử dụng cho kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu, an toàn chịu lực chính của công trình.
Các công trình vi phạm phòng cháy, chữa cháy đã bị đình chỉ nhưng cá nhân, tổ chức không chấp hành sẽ bị cắt điện, nước.
Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt thực hiện hành vi vi phạm, yêu cầu dừng thi công công trình bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy và chữa cháy nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, đã được cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu dừng thi công, chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chưa được chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã bị đình chỉ hoạt động nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành. Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không thực hiện di dời.
N.Yến