Chiều 19/11, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP đã thông qua Quy định trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội.
Chủ tọa điều hành kỳ họp.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều chỉnh phân vùng môi trường
Trình bày tờ trình, Giám đốc Sở QH&KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Hà Nội là Thủ đô và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học của cả nước. Thành phố có tốc độ phát triển nhanh, dân số đông, cùng với đó là các yêu cầu quản lý phức tạp. Theo quy định của Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014, 2020 việc điều chỉnh xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi phải gửi các Bộ, ngành có liên quan thẩm định, trình HĐND TP thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, chưa tạo được tính linh hoạt, chủ động cho chính quyền TP.
Quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Luật Thủ đô 2024 nêu trên là một trong những điều khoản thể hiện rõ tinh thần tạo ra những cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp ủy quyền cho TP tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Cho phép TP chủ động, linh hoạt trong công tác điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời vẫn đảm bảo sự giám sát từ T.Ư thông qua việc báo cáo kết quả thực hiện với Thủ tướng Chính phủ.
Để việc điều chỉnh phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch nêu trên đạt hiệu quả cao, việc ban hành quy định trình tự, thủ tục thực hiện chặt chẽ, đảm bảo thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan là cần thiết.
Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật Thủ đô 2024 (từ ngày 1/1/2025).
Qua đó, triển khai hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác rà soát, lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch nêu trên; để kịp thời phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Giám đốc Sở QH&KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh trình bày tờ trình tại kỳ họp.
Dự thảo Nghị quyết kế thừa các quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất, tính hợp hiến, hợp pháp trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với thực tiễn quản lý tại địa phương.
Xây dựng trình tự, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo tính công khai minh bạch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường và điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Thông qua nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN
Tiếp đó, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP đã thông qua nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín (địa điểm các xã: Văn Bình, Liên Phương, Ninh Sở, huyện Thường Tín). Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 137ha.
Về tính chất, chức năng khu vực nghiên cứu quy hoạch, là Khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử; phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo phù hợp định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được UBND TP phê duyệt.
Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết.
Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 7.000 người. Các chức năng chính: đất thương mại, dịch vụ; đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho hàng; đất an ninh, đất cây xanh, đất giao thông, đất các khu kỹ thuật; đất bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa. Nhà lưu trú, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bố trí trong đất thương mại, dịch vụ trong khu công nghiệp theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024.
Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dự kiến bố trí tại ô đất ký hiệu C3-2 (thuộc địa bàn xã Khánh Hà và phạm vi ranh giới Quy hoạch phân khu đô thị S5) với diện tích khoảng 8ha.
HĐND TP cũng đã thông qua nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Phụng Hiệp (địa điểm tại các xã: Tô Hiệu, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Quy mô diện tích đất lập quy hoạch khoảng 174,8ha.
Về tính chất, chức năng của khu vực nghiên cứu quy hoạch, là khu công nghiệp hướng tới các ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao); chế biến nông sản, thực phẩm chất lượng cao gắn với các vùng nguyên liệu; cơ khí chế tạo, điện tử, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sử dụng quy trình sản xuất hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND TP phê duyệt.
Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 8.000 người. Các chức năng chính: đất thương mại, dịch vụ; đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho tàng; đất an ninh, đất cây xanh, đất giao thông, đất các khu kỹ thuật; đất bãi đỗ xe, xưởng sửa chữa. Nhà lưu trú, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp bố trí trong đất thương mại, dịch vụ trong khu công nghiệp theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ. Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dự kiến bố trí tại các ô đất ký hiệu A3/NO1 và A3/NO2 với diện tích khoảng 8ha.
HĐND TP cũng đã thông qua nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng, tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn (địa điểm các xã: Tân Dân và Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Diện tích đất lập quy hoạch khoảng 323,9ha.
Về tính chất, chức năng của khu vực nghiên cứu quy hoạch, là Khu công nghiệp xây dựng hạ tầng hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư; hướng tới phát triển các ngành công nghiệp sạch (ưu tiên phát triển công nghiệp điện tử-công nghệ thông tin, cơ khí, sản xuất ô tô, công nghiệp vật liệu mới, hóa dược-mỹ phẩm, dệt may…), sử dụng quy trình sản xuất, công nghệ tiên tiến, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quang cảnh kỳ họp.
Số lượng công nhân, người lao động dự kiến khoảng 18.000 người (trung bình khoảng 60-80 người/ha đất công nghiệp). Các chức năng chính, đất hành chính, trung tâm điều hành, thương mại, dịch vụ; đất xây dựng cơ sở sản xuất, kho tầng; đất an ninh, đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật, đất hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông, đất bãi đỗ xe.
UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề xuất địa điểm xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động cho Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn có diện tích khoảng 45ha vị trí tại xã Minh Trí và xã Minh Phú. Nhà lưu trú, các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng phục vụ công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp bố trí trong đất thương mại, dịch vụ trong khu công nghiệp theo quy định của Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 của Chính phủ và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng