Hà Nội chi trả trợ cấp cho khoảng 80.000 người có công
Ngày 24/12, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức hội nghị tọa đàm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng TP Hà Nội, với sự tham dự của các đại biểu đến từ 8 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết, trong giai đoạn qua, cùng với chủ trương của T.Ư, Hà Nội đã ban hành riêng những chính sách đặc thù của TP với người có công trên địa bàn Thủ đô.
Các đại biểu tham dự hội nghị tọa đàm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng TP Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh
Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và những chính sách mới, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức các hội nghị tập huấn để cán bộ ngành nắm được chủ trương chung và triển khai có hiệu quả tốt nhất. Cụ thể như, việc xem xét, công nhận mới, thực hiện chính sách ưu đãi đối với 4.324 hồ sơ người có công và thân nhân.
Năm 2022 Hà Nội thực hiện điều chỉnh chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP cho trên 54.000 trường hợp. Hàng tháng, Hà Nội chi trả trợ cấp cho trên 80.000 lượt đối tượng người có công; với kinh phí trung bình mỗi năm trên 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, mỗi năm Hà Nội thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho 110.000 người có công và thân nhân.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cũng thông tin về việc cuối năm 2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành 2 nghị quyết đặc thù là Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND đề cập đến chính sách tặng quà cho các đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9; công tác điều dưỡng người có công...
Cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công nêu vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công. Ảnh: Trần Oanh
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách người có công vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết kịp thời. Đặc biệt là việc làm các hồ sơ, thủ tục cho người có công, ủy quyền thờ cúng liệt sĩ đối với nhiều trường hợp hết hàng thừa kế; giải quyết những việc liên quan đến chế độ chính sách đối với người có công như tìm kiếm và thăm mộ liệt sĩ, công nhận và cấp mới Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sĩ, giải quyết thêm chế độ trợ cấp đối với thương binh đồng thời là bệnh binh...
Tiếp tục hỗ trợ phí chi trả chế độ người có công qua thẻ ATM
Tại hội nghị, đã có gần 20 ý kiến của cán bộ, chuyên viên phụ trách lĩnh vực người có công chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Cụ thể, thương binh có tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên khi từ trần tại nhà, không có giám định của cơ sở y tế xác nhận là do vết thương tái phát thì có đủ điều kiện trở thành liệt sĩ? Người có công đã chuyển hộ khẩu đi nơi khác nhưng vẫn không chuyển chế độ thì rất khó cho cán bộ trong công tác rà soát đối tượng...
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong trả lời các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất tại hội nghị. Ảnh: Trần Oanh
Đặc biệt, nhiều cán bộ đã nêu khó khăn, vướng mắc đối với nội dung chi trả không dùng tiền mặt. Thực hiện chuyển đổi số, đầu năm 2024, các địa phương đã phối hợp với những ngân hàng để phát hành thẻ ATM cho người có công và hỗ trợ việc chi trả qua hình thức này. Trong giai đoạn đầu, các địa phương được ngân hàng hỗ trợ miễn phí chuyển tiền, phí rút tiền trong thời gian 1 năm, có nơi 2 – 3 năm, 5 năm. Với những địa phương được ngân hàng hỗ trợ 1 năm thì sắp đến thời điểm tính phí.
Phản hồi các cán bộ phụ trách lĩnh vực người có công về nội dung này, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho hay: “Chúng tôi đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu với UBND TP Hà Nội để có chính sách dùng thẻ ATM cho phù hợp. Sở LĐTB&XH Hà Nội đã báo cáo UBND TP và UBND TP đã có tờ trình với HĐND TP tại kỳ họp vừa qua với hai nội dung: hỗ trợ người có công sử dụng thẻ ATM và hỗ trợ công tác quản lý.
Tuy nhiên, HĐND TP chưa thông qua nội dung này và đề nghị tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng rộng hơn để có đánh giá tác động. Đầu năm 2025, sau khi hoàn thiện đánh giá tác động của việc triển khai dùng thẻ ATM, chúng tôi sẽ tiếp tục trình HĐND TP để thông qua”.
Ông Đinh Hồng Phong cũng thông tin về việc, UBND TP Hà Nội đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để chỉ đạo xuống hệ thống ngân hàng tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc chi trả cho đối tượng người có công qua thẻ ATM cho đến khi HĐND TP thông qua và ban hành nghị quyết. Cho nên, các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện miễn phí việc chi trả cho các đối tượng là qua hình thức ATM cho đến khi HĐND có nghị quyết.
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo TP cũng như có kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tế, để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống người có công...
Trần Oanh